Thương mình sẽ không hại người

Thứ ba, 14/06/2022, 05:37 GMT+7

     Tâm từ của Ngài Munindra như là viên đá lót đường đi cho học trò mình.

     Dẫn chứng bằng những lời giáo huấn của Đức Thế Tôn, Ngài giảng giải rõ ràng rằng chỉ chấp nhận và thương yêu người khác cũng chưa đủ mà còn phải chấp nhận và thương yêu chính mình:

     "Nếu không thương yêu chính mình thì ta cũng không thể thương yêu người khác. Nếu ta thực sự thương mình, ta không thể suy nghĩ sai lầm, nói năng sai lầm, hành động sai lầm. Nếu biết cách tự thương mình, ta sẽ không mang oán hận đến bất cứ nơi nào.

     “Tâm dẫn đầu tất cả các thiện pháp và ác pháp.” Khi tâm được thanh lọc, tâm sẽ tạo thiện nghiệp. Khi tâm không bị ô nhiễm, hành động của ta sẽ trong sạch, thế giới sẽ trong sạch. Khi ta nói, lời nói sẽ sáng suốt, hòa nhã, thân thiện.

     Nếu ta không hiểu sự sân hận của mình và để nó chi phối, tâm sẽ bị đầu độc, thân sẽ bị tổn hại, hành động sẽ gây xung đột, oan trái. Mọi người ai cũng đều như thế.

     Tâm từ mang lại tình thương, cho thân an tâm lạc. Nếu ta làm điều tốt cho người, điều ấy cũng tốt cho ta. “Hận thù không bao giờ diệt được hận thù trong cuộc đời, chỉ có từ bi mới diệt được hận thù. Đó là định luật thiên thu.” Không có sự khác biệt giữa tình thương của người Mỹ hay của người Ấn độ.

     Tâm có sức mạnh kỳ diệu nên hãy để tình thương từ tâm thanh khiết lan tỏa khắp con người mình. Nếu ta thương yêu được kẻ thù, ta sẽ không có kẻ thù. Đây là con đường duy nhất ta có thể mang phúc lạc lại cho thế gian này".

286672237_3195488680718637_6517933241297466907_n

     - Ngài Munindra cũng khuyên nên tha thứ cho chính mình và người khác, vì “tha thứ làm tâm mềm mại, nhu thuận.”

     Theo truyền thống, trước khi hành thiền niệm tâm từ, Ngài nguyện: "Nếu tôi có ý nghĩ, lời nói, hành động sai lầm gây thương tổn cho cha mẹ, thầy tổ, các bậc trưởng thượng hay với bất cứ ai, do vô tình hay cố ý, xin mọi người tha thứ cho tôi.

     Tôi xin hoàn toàn tha thứ cho tất cả những ai đã có ý nghĩ, lời nói, hành động gây thương tổn cho tôi, buộc tội hoặc hiềm hận tôi. Tôi xin tha thứ cho chính tôi, và nguyện từ đây làm lành, lánh dữ, giữ gìn tâm ý trong sạch".

     Hơn bất cứ một pháp thoại nào, chính sự hiện diện tràn đầy từ ái của Ngài đã khích lệ người khác chấp nhận và thương yêu chính họ.

     *Trích “Sống viên mãn kiếp này” - Những Lời Dạy của Ngài Munindra

__(())__ Namo Buddhaya __(())__

Nguồn: Thầy Thích Tánh Tuệ

Ý kiến của bạn