Nhà, hay quê hương là kết quả của sự tạo dựng, sự tu tập. Nếu trong quá khứ, trong thời thơ ấu mình không có phước được có nhà, được có quê hương đầm ấm của tuổi thơ thì bây giờ bằng sự tu tập, mình xây dựng cho mình một quê hương, một tổ ấm ngay trong giây phút hiện tại. Thân thể cũng là nhà của mình, mình trở về thân thể của mình. Ta đã được học là thân ta có những căng thẳng, đau nhức, bất an. Trở về với thân thể để lấy đi những căng thẳng, đau nhức, bất an cũng là một cách xây dựng nhà của mình.
Đức Thế Tôn dạy ta kinh Niệm Thân, dùng hơi thở để trở về với thân thể của mình, buông thư những căng thẳng, làm dịu đi những đau nhức nơi cơ thể. Đem tâm trở về với thân để cho thân tâm nhất như (thân hợp nhất với tâm), để thân có cơ hội nghỉ ngơi, đó cũng là một hành động “về nhà”. Điều này rất cần thiết, rất cơ bản! Nhà trước hết là cơ thể của mình. Nếu ta oán hận, thù ghét thân thể mình thì làm sao ta có được nhà? Nhà trước hết là cơ thể bằng xương bằng thịt. Trong giáo lý của Đức Thế Tôn, ta thấy rất rõ những phương pháp đem tâm trở về với thân để làm cho thân êm dịu. Chúng ta có bài thực tập “Quay về nương tựa hải đảo tự thân”. Thân mình là một phần của hải đảo đó. Đó là nhà của mình!
Lúc 3 giờ chiều nay chúng ta đã ngồi với nhau, đã ý thức được rằng trong thân thể mình có bố mẹ, có tổ tiên, có quê hương. Trong từng tế bào cơ thể mình có sự có mặt của bố mẹ, của tổ tiên. Về với cơ thể cũng là về với tổ tiên, với đất nước và văn hóa của mình. Đi đâu ta cũng mang tổ tiên, mang đất nước và văn hóa đi theo. Về với hình hài là về nhà rồi, mình có thể thoải mái được. Vì vậy kinh Niệm Thân rất quan trọng (Contemplation on the body in the body). Ta phải làm cho tâm được thoải mái trong thân, tâm hòa giải với thân và thân tâm nhất như.
Có những chủ thuyết hay những tôn giáo phân biệt thân và tâm, cho thân và tâm là hai cái hoàn toàn khác biệt. Nhưng đạo Bụt không có cái thấy lưỡng nguyên về thân và tâm. Thân và tâm nhất như. Hành động về nhà trước hết là về với thân của mình trong tư thế đi, đứng, nằm hay ngồi. Làng Mai có pháp môn thiền hành rất mầu nhiệm, mỗi bước chân đều đưa mình về nhà. Mỗi bước chân phải là một bước về nhà. Chỉ cần một bước thôi là ta có thể về nhà.
“Gió vẫn còn bay con biết không
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong
Ta vẫn còn đến đi thong dong
Có không còn mất chẳng băn khoăn
Bước chân con hãy về thanh thản
Không tròn không khuyết một vầng trăng.”
(Đến đi thong dong – Sư Ông Làng Mai)
Mỗi bước chân của ta đều là để trở về nhà. Ta không cần nhiều bước, một bước thôi là có thể trở về. Vì mỗi ngày phải bước đi nhiều bước nên ta có nhiều cơ hội để về nhà. Nếu thực tập giỏi thì mỗi bước chân là một cơ hội để ta trở về quê hương của mình, về với thân tâm để tìm thấy sự an bình. Có được sự an bình thì ta có thể xây dựng tăng thân thành một ngôi nhà lớn làm niềm vui và nơi nương tựa cho rất nhiều người.
“Bước chân con hãy về thanh thản”, trong câu thơ đó thầy đã nhắn nhủ, gởi gắm không biết bao nhiêu là tình thương, bao nhiêu là kỳ vọng nơi đệ tử: Mỗi bước chân là một cơ hội cho con trở về được với quê hương, với tổ tiên.
Sự trở về trong từng giây từng phút để chăm sóc nhà của chúng ta là công trình để xây dựng quê hương. Khi trở về với cơ thể, không những ta làm lắng dịu những đau nhức, buông bỏ những căng thẳng và làm cho thân tâm hợp nhất mà ta còn nhận diện được những tâm hành, nhất là những cảm thọ như cảm thọ buồn đau, lo lắng của mình. Người không tu thường tìm cách trốn tránh những cảm thọ không dễ chịu đó và tìm những vui nhộn bên ngoài để khỏa lấp và che giấu nỗi khổ niềm đau. Là người tu, ta không làm như vậy. Ta biết là ta phải trở về để chăm sóc và chuyển hóa. Sự thực tập hàng ngày là để cho ta có đủ năng lượng niệm và định để trở về nhận diện và ôm ấp nỗi khổ niềm đau hay những cảm giác lẻ loi, lạc loài trong con người mình.
Trong năm mới chúng ta phải tập ngồi cho giỏi, tập ngồi cho cha mẹ, tổ tiên. Ta tập ngồi cho yên. Ta ngồi yên được thì thế giới sẽ yên, tổ tiên và con cháu sẽ yên. Sang năm mới chúng ta hãy tập đi thiền hành cho giỏi, mỗi bước chân đưa ta trở về được quê hương. “Bước chân con hãy về thanh thản”, đó là thông điệp của thầy gởi cho tất cả các đệ tử. Mỗi bước chân trở về như vậy thì mình sẽ gặp thầy, gặp Bụt, gặp cha mẹ, gặp tổ tiên, gặp quê hương trong đó. Rất là mầu nhiệm! Niệm lực càng hùng tráng thì sự trở về của mình càng sâu sắc.
Xin chúc đại chúng năm mới có nhiều thành công trong sự tu tập và xây dựng tăng thân.
HT. Thích Nhất Hạnh