Chị Hướng Dương - ảnh chụp 2 ngày sau khi Trung tâm Sách nói tân gia tại trụ sở
số 18B Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: Khánh Vy
Góp nhặt yêu thương, gieo “ánh sáng” cho đời
25 tuổi, tai nạn khiến Nguyễn Hướng Dương mất cả hai chân nhưng không vì thế mà chị gục ngã. Vượt qua những thử thách, chị đã đứng dậy và bước đi trên đôi chân giả, đến với các em khiếm thị như một mệnh lệnh từ trái tim.
Nhắc đến chị Hướng Dương không thể không nhắc đến quá trình “đứng dậy và bước đi” của cá nhân, mà chị chắt chiu, viết thành sách, để chia sẻ đến người khuyết tật; nhắc đến chị, người ta không thể quên thư viện sách nói dành cho người mù được chị sáng lập bằng mồ hôi, máu, nước mắt và chị đã sử dụng chính giọng đọc của mình, truyền tải, giúp người khiếm thị có thêm kiến thức, tự tin trong học tập, cũng như hòa nhập cộng đồng.
Người ta cũng không thể quên sách nói Phật pháp (http://www.sachnoiphatphap.com/) chị thực hiện đầy tâm huyết - để ai chưa có cơ hội đọc sách về Phật giáo thì được nghe; bên cạnh đó là quỹ học bổng mang tên Hướng Dương, học bổng Ánh Sen mà chị sáng lập với tất cả tâm từ...
“Lúc Hướng Dương bị tai nạn, cái rủi đã lấy đi đôi chân của Hướng Dương, chính Phật pháp đã cứu đời Hướng Dương nên Hướng Dương tâm nguyện sẽ phụng sự Phật pháp và con người đến cuối cuộc đời. Tại sao mình có giọng nói, mình sáng mắt lại không đọc những tác phẩm văn học, những quyển sách hay, sách giáo khoa, những điều Phật dạy nhiệm mầu cho các em khiếm thị biết. Trong khi đó, mỗi khi nghe ai đó nói về kiến thức xã hội, những mẩu chuyện, giai thoại Phật pháp chứa đựng phép mầu, các em rất thích nghe. Những kiến thức đã có sẵn trên sách, trên kinh điển, mình chỉ cần bỏ thời gian đọc, thu âm cho các em nghe là giúp cho các em rất nhiều”, đó chính là lý do để chị Hướng Dương phấn đấu, nỗ lực để trở thành điểm tựa cho người khiếm thị vượt qua bóng tối.
Vững một niềm tin
Tôi và chị gặp nhau lần gần nhất là vào tháng 11-2017, tại Trung tâm Sách nói (số 18B, Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM) - khi trụ sở của trung tâm vừa được khánh thành. Câu đầu tiên chị nói là: “Mừng quá em. Cuối cùng thì cũng có trụ sở trung tâm cố định. Khép lại 19 năm lênh đênh. Giờ không còn cảnh phải mượn chỗ này, ở nhờ chỗ kia nữa”.
Chị nhắc lại, “Hướng Dương còn nhớ là, năm 2014, trong dịp kỷ niệm 15 năm Thư viện Sách nói, em hỏi Hướng Dương rằng điều mong mỏi nhất là gì? Hướng Dương bày tỏ nguyện vọng: ‘Có một trụ sở ổn định lâu dài, không phải nay đây mai đó. Quỹ Từ thiện sách nói quyết tâm xây dựng mới ngôi nhà mà lãnh đạo thành phố cấp để có trụ sở đủ điều kiện của việc thực hiện “sách nói”, nhằm đem lại ánh sáng tri thức, văn hóa, ánh sáng niềm tin và hạnh phúc cho người mù cả nước’. Trong điều kiện hiện tại khi đó, em gọi đó là ước mơ, vì không phải là chuyện dễ dàng, nhưng Hướng Dương lại bảo đó là mục tiêu”.
“Hướng Dương vẫn còn nhớ, lúc đó đã nói với em: ‘Nếu là ước mơ, có khi người ta không thực hiện được, còn là mục tiêu thì đó là mốc để người ta phấn đấu’. Ngày hôm nay thì đã thành sự thật rồi”, chị Hướng Dương hoan hỷ nhắc lại.
Cũng như mọi lần, khi đạt được mục tiêu đặt ra, chị đều nói không gì là dễ dàng. Chị rưng rưng: “Khi được Thành ủy TP.HCM cấp cho miếng đất này, Hướng Dương vui sướng. Nhưng nỗi lo cũng đến song song. Họ cho mình thời gian, nếu mà không xây thì đất sẽ bị thu hồi lại. Chỉ còn 2 năm nữa là hết thời hạn, mà tiền để xây trung tâm chưa đủ, đi vận động nhiều rồi và cuối cùng Hướng Dương chỉ biết cầu nguyện. Lúc đó thứ duy nhất Hướng Dương có là niềm tin, tin tưởng khi làm điều tốt, đem lại lợi ích cho nhiều người thì sẽ có nhân duyên lành. Hướng Dương khấn nguyện rằng, đây là công trình từ thiện xã hội, sản phẩm làm ra để giúp những mảnh đời bất hạnh, xin chư Phật hộ trì cho chúng con.
Nhờ từ cầu nguyện mà cánh cửa đã mở ra. Người và người truyền tai nhau, có những người đến giúp như hiện thân của chư Bồ-tát, cho mà không cần ghi danh tánh”, chị kể với niềm xúc động. Rồi chị đúc kết: “Khi làm từ thiện hay làm điều gì đó đem lại lợi ích cho người khác, bản thân Hướng Dương luôn tin rằng sẽ được Đức Phật gia hộ”.
Đưa tôi đi xem các phòng của trung tâm, đến phòng học vi tính, chị nói: “Cô giáo dạy các em khiếm thị cũng là người khuyết tật, nên dễ có sự đồng cảm, nâng đỡ nhau, cùng đưa nhau vượt qua ‘bóng tối’ của cuộc đời. Đến đây rồi cũng không ai có cảm giác bị bỏ lại phía sau. Nhờ tình thương hết đó”. Chị tiếp lời: “Ngày mà trung tâm làm lễ khánh thành, gọi là mừng tân gia, có rất nhiều lời chúc mừng, đặc biệt là những món quà được thực hiện bằng sự tận tâm, là tấm lòng, là tất cả tình cảm yêu thương mà các em khiếm thị gửi đến. Đó là những bức tranh, chiếc móc khóa, sản phẩm mỹ nghệ, nhìn thấy là Hướng Dương xúc động, rưng rưng”. Từ cách nói của chị, người đối diện cảm nhận rõ, chị đang vui mừng biết bao nhiêu.
Cống hiến đến hơi thở cuối cùng
Buổi trò chuyện diễn ra giữa chừng, chị có biểu hiện không khỏe. Chị cười hiền chia sẻ: “Nói thiệt với em là khi hẹn em xong, Hướng Dương phải viết vào giấy ghi nhớ liền, để quên. Lúc rày hay bị quên lắm, có khi vừa nói xong là đã quên, chỉ có Phật là Hướng Dương nhớ suốt”. Chị cũng trấn an: “Sức khỏe chị giảm vì chị phải phẫu thuật nhiều nhưng tinh thần thì không sao. Ngày nào làm được chị vẫn làm, vẫn đến trung tâm, riêng buổi tối chị không làm việc nữa - để dành thời gian thiền buông thư và đọc báo Giác Ngộ. Báo thứ Sáu đến, thì tối đó Hướng Dương đọc luôn, hoặc hôm sau đọc liền”.
Bệnh tật, vết thương cũ gây nhức toàn thân là vậy nhưng nhắc đến Phật pháp, chị chia sẻ say mê. Chị nói rằng, có những bài giáo lý trên báo hay quá, đọc xong là thu âm luôn để chia sẻ cho các em khiếm thị cùng nghe.
18 giờ, ngày 26-4-2018, hay tin chị Hướng Dương đã qua đời nhưng trước đó chị vẫn làm việc, cuốn sách chị đang đọc vẫn còn dở dang, mà nước mắt rưng rưng...
Đức Trưởng lão HT.Thích Phổ Tuệ đã nói rằng: “Tuổi thọ không phải là thước đo giá trị của đời người. Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo”. Ra đi ở tuổi 47 nhưng những gì chị Hướng Dương cống hiến được rất nhiều người ghi nhận, cảm kích. Khi hay tin chị qua đời, những người biết đến chị hầu như ai cũng cầu nguyện, dành lời chúc lành đến chị. Những ngày tang lễ, không chỉ có Tăng Ni, Phật tử ở các chùa niệm Phật, hồi hướng cho chị mà còn có những người thân thuộc - là độc giả lắng nghe sách nói của chị. Mặc dù cuộc đời được chị Hướng Dương ví như “cõi mộng” và ngày hôm nay, chị không còn trên đời nữa nhưng những yêu thương, “ánh sáng” mà chị góp nhặt gieo cho đời tin chắc sẽ còn mãi.
Muốn kiếp sau được xuất gia “Khi tai nạn đổ ập lên số phận mình, tôi cứ đấm ngực mà than rằng: ‘Trời ơi, tại sao lại là tôi cơ chứ...’, và không tài nào lý giải được. Sau khi đọc những quyển Phật pháp và nghe băng thuyết giảng của các vị sư, tôi dần dần tháo gỡ được những khúc mắc trong tâm mình, không còn than thân trách phận nữa. Giáo lý về Nghiệp và Luân hồi đã giải tỏa cho tôi. Mình phải chịu trách nhiệm về tất cả những bệnh tật, tai nạn của mình mà không đổ lỗi cho bất kỳ ai khác được. Mà phải vui vẻ chịu đựng vì khi một tai nạn đến là mình đã trả được một món nợ ân oán gì đó của kiếp trước rồi. Vì thế tôi đã phát nguyện luôn với chư Phật, Bồ-tát rằng: Con đã quen với việc chịu đựng đau đớn rồi, còn bao nhiêu nghiệp chướng của con xin cho con nhận lãnh luôn trong kiếp này, để kiếp sau con được thân người lành lặn, khỏe mạnh để xuất gia đi theo con đường giải thoát của Đức Thế Tôn”. Trích “Đứng dậy và bước đi” - tự truyện của Nguyễn Hướng Dương |
Khánh Vy
Địa chỉ: 419/11 Cách Mạng Tháng 8, Ward 13, Distric 10, Ho Chi Minh City
Điện thoại: 0918 205 182 - Email: buudapagoda@gmail.com