/

Sách: Thiền Sư Trung Hoa ( Bộ 3 Tập ) – HT Thanh Từ

Thứ năm, 21/06/2018, 18:56 GMT+7

Thiền Sư Trung Hoa ( Bộ 3 Tập ) – HT Thanh Từ Soạn dịch

Thien-Su-Trung-Hoa-HT-Thanh-Tu

Tác giả : HT.Thanh Từ

Số trang : 406

Nhà xuất bản : Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh

Năm xuất bản : 1990

Bìa: mềm


 LỜI DẪN ĐẦU

 

         Tập I “Thiền sư Trung Hoa” này, chúng tôi góp dịch trong ba bộ sách “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục”, “Chỉ Nguyệt Lục” và “Cao Tăng Truyện”. Tuy chung hội cả ba bộ sách, song hành trạng của Thiền sư “ra đi không lưu lại dấu vết”, nên chỉ không thể tìm kiếm đầy đủ được. Mặc dù thế, chúng tôi nghĩ một câu nói của Thiền sư, nếu đọc giả tãnh hội được, cũng có thể đủ tu hành đến giải thoát. Cho nên, chúng tôi không ngại phiên dịch ra đây.

          Đặc điểm trong sự truyền bá Thiền-tông, Thiền-sư không khi nào nói trắng ra những cái gì mình muốn dạy cho kẻ tham vấn. Các Ngài khéo dùng những hành động lạ thường, những ngôn ngữ bí hiểm khiến cho người tham vấn phải ngạc nhiên, phải nghi ngờ. Vì thế, chỉ có những người lanh lợi mói có thể ngay đó thể hội được. Bằng người không thể ngay đó thể hội, thì phải ôm hoài nghi mãi trong lòng, đến bao giờ gặp cơ duyên mới tĩnh ngộ. Có một Thiền-sư đã nói: “Tôi không quí Tiên sư về đức hạnh, mà chỉ quí chỗ không giải nghi cho tôi”. Do đó, khi cầm viết dịch tập sách này, tôi chỉ muốn hoàn toàn là dịch giả, không muốn xen vào một ý kiến nào.

          Nhưng hành trạng Thiền-sư thật quá khó hiểu. Có khi các Ngài như quá ngang tàng không kể gì tội phước, như Thiền-sư Đơn-Hà thiêu tượng Phật. Có khi các Ngài như thô bạo dám giết hại chúng sanh, như Nam-Tuyền cầm dao chặt con mèo. Có khi các Ngài như tàn nhẫn không biết thương kẻ hậu học, như Hoàng-Bá đánh Lâm-Tế. Hoặc các Ngài tự bảo sau khi chết sẽ sanh làm con trâu, như Nam-Tuyền, Qui-Sơn…Vì thế, nếu chúng tôi không điểm sơ qua, quí đọc giả khó bề lãnh hội được thâm ý. Chẳng những không lãnh hội được thâm ý, trái lại còn dám nghi ngờ hoang mang, có khi phỉ báng các Ngài là khác. Bởi lẽ ấy, buộc lòng chúng tôi phải dẫn giải một vài điểm đặc biệt ở sau đây, gọi là hé cửa cho quí đọc giả bước vào nhà Thiền.

          Người tu theo Thiền tông cốt nhận được bản tâm, thấy được bản tánh của mình. Khi nhận được bản tâm, mới tin “tâm tức là Phật”. Khi thấy được bản tánh, mới tin “tánh mình đầy đủ tất cả, xưa nay vẫn thanh tịnh”. Nhưng tâm tánh ở đâu? Thế nào? Tất cả người tu Phật đều thắc mắc vấn đề này. Khi đặt câu hỏi tâm tánh ở đâu? Thế nào? Thì khác gì người cỡi trâu tìm trâu, vác Phật đi cầu Phật, biết bao giờ thấy được. Sao chúng ta không mạnh mẽ như Thiền-sư Huệ-Hải ? Khi sư đến tham vấn Mã-Tổ, Mã-Tổ hỏi:

          – Đến đây tính cầu việc gì?

          Sư thưa:

          – Đến cầu Phật Pháp.

          – Khi báu nhà mình chẳng đoái hoài, bỏ nhà chạy đi tìm cái gì? Ta trong ấy không có một vật, cầu Phật Pháp cái gì?

          – Cái gì là kho báu nhà mình của Huệ-Hải?

          – Chính nay người ta hỏi, đó là kho báu của ngươi, đầy đủ tất cả không thiếu thốn, tự do sử dụng đâu nhờ tìm cầu bên ngoài.

          Ngay câu nói nầy, Sư nhận được bản tâm.

          Thật không xa, nếu chúng ta can đảm tin nhận thì nó sờ sờ trước mắt. Bằng chứng ta không tin nhận thì tìm mãi suốt đời không ra. Bởi chúng ta đã tưởng tượng quá nhiều về tâm tánh, những tưởng tượng ấy đã tô đắp vẽ vời khiến bộ mặt thật của tâm tánh biến thành hình tướng lạ kỳ huyền bí. Giờ đây, nghe các Thiền-sư chỉ thẳng bộ mặt thật của nó rất tầm thường bình dị, tất cả chúng ta không ai chịu tin. Do đó, muốn thấy bộ mặt thật của mình (Bản lai diện mục) qua các lời chỉ dạy của các Thiền-sư, chúng ta phải gạt bỏ mọi tưởng tượng đã có lâu nay đi, khả dĩ mới trực nhận được tâm tánh

          Thiền-tông lấy bản tâm làm chủ, nên sự tu hành của Thiền-sư là sống trở lại với ông chủ của mình, trong mọi hành động, trong mọi thời gian. Tất cả hình thức bên ngoài đối với Thiền-sư không có gì là quan trọng. Dù ngồi thiền suốt ngày, dước con mắt các Ngài vẫn thấy chưa phải là tinh tấn. Vì thế, Thiền-sư Hoài Nhượng mới đặt câu hỏi với Thiền-sư Đạo-Nhất, khi Sư nầy đang mải mê ngồi thiền, “Như trâu kéo xe, xe không đi, đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?”.

          Huống nữa, quên tâm mình chạy theo hình thức bên ngoài, càng tu càng xa đạo. Không có sự giác ngộ nào ngoài tâm mà có. Phật là giác, nếu chúng ta cầu Phật mà quên tâm, thử hỏi bao giờ thấy Phật. Những hình tượng Phật, Bồ Tát thờ bên ngoài, chỉ là phương tiện gợi lại cho chúng ta nhớ bản tâm. Nếu chúng ta không chịu nhớ lại bản tâm, cứ cầu cạnh nơi hình tượng bên ngoài, thật là một việc làm trái đạo. Vì thế, Thiền-sư Đơn-Hà đã bạo dạn thiêu tượng Phật gỗ. Viện chủ Hướng nóng lòng hỏi: “Tại sao thiêu tưỡng Phật của tôi?”. Sư đáp: “Thiêu tìm Xá Lợi”. Thật là một câu đáp bất hủ. Vậy mà Viện chủ còn ngây thơ nói: “Phật gỗ làm gì có Xá-Lợi”. Sư bảo: “Thĩnh thêm hai vị nữa thiêu”. Quả nhiên một tiếng sấm tét màn tai, làm sao Viện chủ không tĩnh ngộ được. Do đó, người sau nói: “Đơn-Hà thiêu  Phật gỗ, Viện chủ rụng lông mày” (Đơn Hà thiêu mộc Phật, Viện chủ lạc mi mao). Hành động táo bạo của Thiền-sư Đơn-Hà là một sức mạnh phi thường, đánh thức được người đang chìm trong giấc mê hình thức.

          Muốn trắc nghiệm chỗ thấy biết của người, không gì hay hơn ở trong một trường hợp bất thần bắt buộc họ phải thố lộ ra lời nói, hoặc hành động. Thiền sư Nam-Tuyền dơ đao sắp chặt con mèo một cách đột ngột giữa đại chúng, bất buộc chúng phải đáp một câu cho hợp ý, Sư sẽ cứu con mèo. Rốt cuộc trong đại chúng không có người đáp được, buộc lòng Sư phải hạ đao. Hành động ấy không phải nhằm vào con mèo, mà nhằm thẳng đại chúng. Nhưng đại chúng đã bất lực. Sư bất đắc dĩ phải giết con mèo như lời đã nói. Khi Tùng-Thẩm đi ngoài về, Sư cũng thuật lại lời ấy, Tùng Thẩm liền cởi giày đội trên đầu. Sư bảo: “Giá khi nảy có người thì đã cứu được con mèo”. Hành động bất thần của Sư chẳng khác nào cơn sét đánh, chỉ có Tùng-Thẩm biết được ý Sư nên cởi giày đội trên đầu. Bởi vì chỗ tột quí của con người là đầu, cái ty tiện nhất là giày. Tùng-Thẩm cổi giày đội trên đầu là nói lên cái thấy của mình không có quí tiện, không còn phàm thánh, vượt ngoài vòng đối đãi. Đó là chỗ thầy trò thông hội nhau. Người thời nay thấy hành động giết con mèo của Sư, liền kết án Sư phạm tội sát sanh. Họ có biết đâu, Sư đã khéo mượn phương tiện để thấy cứu cánh.

          Chơn tâm là chỗ bặt suy nghĩ, càng suy nghĩ càng xa. Thiền tông xưa nay truyền trao chỉ một chơn tâm không gì khác. Người tu thiền vừa móng lòng tìm chơn tâm thì không bao giờ thấy nó. Vì thế, Sư Lâm-Tế Nghĩa-Huyền, vừa hỏi: “Thế nào là đại ý Phật Pháp ?” liền bị Thiền-sư Hoàng-Bá đập cho một gậy, ba phen hỏi đều ăn ba gậy, mà không được một lời chỉ dạy. Thế mà, đi đến Thiền-sư Đại-Ngu, Lâm-Tế thuật lại việc bị đánh, “mà không biết có lỗi gì?”. Đại Ngu còn nói: “Hoàng Bá dạy ngươi rất thống thiết, chỉ tại người còn tìm lỗi”. Ngay câu nói nầy, Lâm-Tế tỉnh ngộ. Thế mới biết, cái đánh của Hoàng-Bá thật thống thiết. Nhưng, nếu không có Thiền-sư Đại-Ngu thì cái đánh ấy trở thành vô nghĩa.

          Chơn tâm hằng lộ liễu trong mọi hành động của ta. Nếu ta trực nhận là thấy, bằng không trực nhận tìm hoài suốt kiếp cũng chẳng gặp. Người học đạo không chịu ngay nơi hành động trực nhận chơn tâm, mãi cầu thiện tri thức chỉ dạy cho thể hội. Nhưng làm sao chỉ dạy được, vừa nói ra là đã sai rồi. Vì thế, Sư Sùng-Tín theo hầu Thiền-sư Đạo-Ngộ mấy năm mà không nghe chỉ dạy. Nóng lòng, Sư hỏi: “Con theo hầu thầy mấy năm mà chưa đượcthầy chỉ dạy tâm yếu”. Đạo-Ngộ bảo: “ta đã từng chỉ dạy tâm yếu cho ngươi rồi”. “Thầy dạy cho con lúc nào ?”, “khi ngươi bưng cơm lên thì ta nhận, người dâng trà thì ta tiếp, ngươi xá lui ra thì ta gật đầu, đâu không dạy tâm yếu cho ngươi ?”. Nhơn câu nói này, Sư Sùng-Tín tỉnh ngộ. Thực, dạy mà không dạy, nói mà không nói. Đây là đại dụng của Thiền-sư, những người học ngôn ngữ không sao hiểu thấu.

          Người tu thiền phải dẹp sạch bản ngã, dù là bản ngã thánh cũng không còn. Nếu còn thấy sở đắc là còn bản ngã, giả sử thấy đắc quả thánh cũng là vị thánh tương đối, chớ chưa thật giải thoát. Chỗ giải thoát cứu cánh là tâm không còn dính mắc một chỗ nào, như câu: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Vì thế vua Đường Túc-Tông hỏi Thiền sư Huệ-Trung: “Thầy được pháp gì?” Huệ-Trung đáp: “Bệ hạ thấy một mảnh mây trong hư không chăng?”- “Thấy”- “Nó do đóng đinh mắc hay cột dây mắc?”. Được không dính mắc mới tự tại giải thoát, còn dính mắc bất cứ một quả vị nào cũng là chưa tự tại. Thế mà, người tu thiền hiện nay ngồi lại là mong thấy cái nầy, chúng quả kia. Khởi tâm vọng cầu như vậy làm sao không lạc vào cảnh giới ma? Làm sao tránh khỏi cuồng loạn?

                                                                                                                                  ***

          Chẳng những tâm không còn dính mắc trong quả vị, mà cũng sạch hết phàm tình thánh giải. Kinh Lăng Nghiêm nói: “Nhược tác thánh giải tức thọ quần tà”. Phàm tình là tình chấp của chúng sanh trong lục đạo. Thánh giải là cái hiểu thánh, hiểu rằng mình chứng mình đắc trong các quả vị thánh. Nếu chưa sách phàm tình thánhgiải thì người ta khó hề thoát khỏi cảnh ma. Tổ Qui-Sơn sắp tịch, bảo chúng: “Sau khi lão tăng trăm tuổi sẽ đến dưới núi làm con trâu, hông bên trái đề năm chữ “Qui Sơn Tăng Linh Hựu”. Khi ấy, gọi là Qui Sơn Tăng hay gọi là con trâu? Gọi là con trâu hay gọi là Qui Sơn Tăng? Gọi thế nào mới đúng? Người thời nay nghe câu nói nầy bèn sanh nghi “tại sao Ngài tu như vậy mà đọa làm súc sanh?” . Thật là cái biết của kẻ mù, làm sao thấy được trời đất bao la? Nơi Ngài tâm phàm thánh đã sạch mới thốt ra được câu ấy.

          Chúng tôi mong quí đọc giả khi đọc quyển sách nầy, mỗi người tự cổi sạch những thiên chấp của mình để thấy được đại cơ đại dụng của Thiền-sư, đừng bị đầu lưỡi các Ngài lừa.

          Tập sách nầy, chúng tôi soạn dịch các vị Thiền sư từ đời thứ nhất sau Lục-Tổ Huệ-Năng đến đời thứ tư, tức là đến bắt đầu chia tông phái. Tập thứ hai, chúng tôi soạn dịch từ đời thứ năm sau Lục-Tổ đến đầy đủ chi năm Tông và bảy phái, nghĩa là Tông Tào-Động, Lâm-Tế, Qui –Ngưỡng, Vân-Môn, Pháp-Nhãn và đến Tông Lâm-Tế chi làm hai phái Huỳnh-Long và Dương-Kỳ.

          Về phần Sử Chư Thiền-Đức ở Trung Hoa đến đây không phải là hết, song những nhân vật trọng yếu trong nhà Thiền cũng gần tạm đủ. Đợi khi có thì giờ rỗi, chúng tôi có thể sẽ dịch thêm để cống hiến quí đọc giả.

                                                                                                                                                                  Kính ghi

                                                                                                                                                    THÍCH THANH TỪ

- Cùng tác giả: Bích Nham Lục – HT Thanh Từ Dịch

- Link đọc sách: https://thuvienhoasen.org/a9813/thien-su-trung-hoa-tap-mot

- Mượn sách: Xin liên hệ chùa Bửu Đà - Phòng Thư Viện

 

Ý kiến của bạn