Sách: Giận để thương - V.Vajiramedhi

Thứ hai, 22/10/2018, 10:23 GMT+7

GIẬN ĐỂ THƯƠNG 

AI CŨNG GIẬN NHƯNG

CHẲNG MẤY AI NHÌN THẤU ĐƯỢC CƠN GIẬN CỦA MÌNH

Thích Nhật Đạo
 

Gian-de-thuong2

           “Giận để thương”, một cuốn sách với tên gọi sao thân thương quá đỗi. Là “giận để thương” hay “chế ngự cơn giận để yêu thương”? Hãy cùng chúng tôi khám pháqua tác phẩm “Giận để thương” của tác giả V. Vajiramedhi.

           Thú thật là chúng tôi có rất ít thông tin về tác giả. Chỉ biết V. Vajiramedhi là một nhà sư Thái Lan. Tìm kiếm thông tin tác giảtrên internet thì chỉ thấy thông tin V. Vajiramedhi là Chủ tịch Quỹ Vimuttayalaya, Thái Lan. Vẫn không biết có sự trùng tên hay Chủ tịch Quỹ Vimuttayalaya chính là tác giả quyển sách? Bỏ qua chi tiết nhỏ này để đến với tác phẩm. “Giận để thương” là một cuốn sách đầy thú vị, nếu không nói là rất tuyệt vời về chủ đề Phật học ứng dụng.

           Ai trong chúng ta chắc chắn cũng đã từng một lần giận dữ. Và sau đó là một cảm giác dằn vặt với bao lời tự vấn chính mình: Tại sao mình lại thốt lên những lời đó? Tại sao mình lại hành động thiếu kiềm chếnhư vậy? Rất nhiều câu hỏi sẽ bủa giăng chính bạn sau một cơn giận dữ. Nên chăng, khi chưa giận dữthì ta nên tìm hiểu phương pháp thực tập để chuyển hóa cơn giận khi nó phát sinh.

           Vì sao chúng ta nổi giận? Theo tác giả V. Vajiramedhi thì: “‘Cái tôi’ là nền tảng của những cơn giận dữ ở mọi mức độ, từ cá nhân đến quốc gia đến quốc thể”. Bởi đơn giản: “Về mặt tâm lý, tất cả chúng tađều muốn được mọi người tôn trọng, coi mình là người quan trọng. Tất cả chúng ta đều có ‘phức hợp bản ngã’ ở một mức độ nhất định, tùy vào bản chất cố hữu của chúng ta”. Tôi dừng lại ở đây một chút, để bạn dừng công việc để hỏi chính mình. À, chính tôi cũng sẽ hỏi chính mình: Có muốn được mọi người tôn trọng không?

           Những điều trên, chính “Đức Phật cũng nói ngắn gọn và đơn giản là ‘cái tôi’ và ‘cái của tôi’”.

           Vì sao chúng ta nổi giận? Theo tác giả “Một nguyên nhân lớn khác gây nên giận dữ là con không chấpnhận được việc bị người khác bình phẩm… Chúng ta thường có xu hướng nghĩ bản thân so với mọi người cao quý hơn theo cách này hay cách khác”. Cho nên hãy tập chấp nhận, cao hơn nữa là tập “đón nhận” bình phẩm, chỉ trích:

           “Thân dưới bầu trời, không e ngại mưa rơi; người sống trên đời, không quản ngại chỉ trích”.

           Chúng ta đã cùng tác giả tìm hiểu vì sao chúng ta nổi giận? Tiếp theo sẽ cùng tác giả đến với phương pháp chuyển hóa cơn giận. Tác giả đã chia sẻ 11 cách thức để chuyển hóa năng lượng của cơn giận từ tiêu cực thành tích cực. Điều thú vị là trong đó có phương pháp đọc sách. Bởi theo tác giả, “Đọc sách, ngoài việc dập tắt cơn giận, phương pháp này còn trau dồi kiến thức và tâm trí”.

           Một chia sẻ khác của tác giả để chuyển hóa cơn giận, hãy học cách nhìn nhận vấn đề một cách tích cực. Tức là hãy LẠC QUAN:

“Hai con người trộm nhìn qua lỗ nhỏ
Một người thấy đầm lầy khắp nơi
Người kia với tâm hồn minh mẫn
Sẽ nhìn thấy ánh sao lung linh”.
(Đoản thơ của F. Hilaire)

           Thêm một điều nữa để chế ngự cơn giận, đó chính là sự khiêm tốn. Chính Đức Phật đã dạy sa-di Rahula (La-hầu-la) thực hành buông bỏ cơn giận bằng cách tự xem mình nhỏ bé.

           Và một điều không thể thiếu để diệt trừ căn nguyên của sân giận, đó là thiền định. Theo tác giả, một nhà sư Thái Lan, “nếu con muốn chữa lành tận gốc, không còn cách nào tốt hơn là tu tập thiền định, để có được tâm ‘chánh niệm’ trong từng hơi thở”.

           Một cuốn sách dễ thương (tôi nghĩ vậy) và rất ý nghĩa trong việc chuyển hóa cơn giận. Một điều tưởng chừng như nhỏ bé nhưng không hề nhỏ bé. Bởi đơn giản phần lớn chúng ta đã, đang và sẽ có những lúc nổi giận; người già cũng giận, người trẻ cũng giận; người học rộng cũng giận, người học chưa rộng cũng giận; người tu cũng giận, nếu thiếu sự chánh niệm trong từng hơi thở… Nói như thế để thấy “Giận để thương” là một cuốn sách dành cho bạn, cho tôi và dành cho tất cả chúng ta.

           Hãy đến, đọc kỹ cuốn sách một cách thấu đáo, không mang định kiến và cùng nhau thực tập, chuyển hóa để nhìn thấu cơn giận của chính mình.

           Cuối cùng, xin chia sẻ một đoạn trích từ tác phẩm để khép lại bài giới thiệu:

           “Nếu con thực sự tiến bộ, con sẽ thấy rằng không một ai, không một nhân cách nào đáng để con phải đáp trả hay chuốc hận cả. Con sẽ chỉ còn thấy những người mà con cần mở rộng trái tim yêu thương tử tế với họ bằng cách đưa họ thoát khỏi sự tham lam, giận dữ và ảo tưởng”.

           Vài lời giới thiệu. GIẬN ĐỂ THƯƠNG, tác giả: V. Vajiramedhi, Tố Khanh dịch. NXB. Lao Động, Sách Thái Hà. 184 trang.

                                                                                                                                                                                            Thích Nhật Đạo (07.07.2018)

           - Mượn sách: Xin liên hệ Văn Phòng chùa Bửu Đà - Phòng Thư Viện

Ý kiến của bạn