Khi biết đến cuốn sách này, tôi liền nghĩ ngay đến các em thiếu nhi, các bạn nhỏ. Làm sao để giảng giải, nói chuyện với các em nhỏ một cách đơn giản nhất để các em hiểu về những lời dạy của Đức Thế Tôn? Câu trả lời sẽ hé mở phần nào qua tác phẩm “Đạo Phật vỡ lòng”.
Tác giả quyển sách là Hisashi Ota (chủ biên Kentaro Ito). Và cũng như tác giả cuốn “Giận để thương” vừa qua chúng tôi giới thiệuđến các bạn, chúng tôi cũng không có thông tin nhiều về tác giả. Chỉ biết Hisashi Ota là một tác giả người Nhật Bản.
“Đạo Phật vỡ lòng” là một cuốn truyện tranh được tác giả trình bày với hình thức một lớp học với 6 nhân vật. Trong đó, nhân vật chính là thầy Suzuki, người có thể dạy cho bạn mọi điều về đạo Phật một cách chi tiết; học sinh Ichiro, một cậu bé hoạt bát, vô tư, nồng nhiệt và Hikari, một học sinh chuyên cần, một cô bé vui tươi và đầy sức sống. Ngoài ra còn có các nhân vật: Naoki, Masako, Tatsuki.
“Đạo Phật vỡ lòng” gồm 20 bài giáo lý được Hisashi Ota trình bày rất cụ thể, đơn giản, gần gũi và dễ hiểu. Có những chủ đề được tác giả trình bày qua nhiều bài, như chủ đề Luật nhân quả (4 bài), Sáu việc làm tốt (6 bài), Tám loại khổ đau (2 bài). Ngoài ra, “Đạo Phật vỡ lòng” còn trình bày về Ngày Đức Phậtđản sanh, Thiếu sáng suốt (đố kỵ), Biết ơn, nhớ ơn, trả ơn…
Những câu chuyện đơn giản, những ví dụ dễ hiểu. Và thật thú vị nếu bạn đem những giáo lý với cách trình bày này để trình bày cho trẻ nhỏ. Như Nhân quả đã được thầy giáo Suzuki trình bày: “Đúng ra thì chúng ta phải gọi là luật ‘nhân, duyên và quả’”. Ví dụ, nhân của cây lúa là hạt thóc… Để nảy mầm được thì cần có mặt trời, nước, đất, nhiệt độ phù hợp và nhiều thứ khác. Đó là các “duyên”. (Bài 3: Luật nhân quả (2): Nhân mình tạo, quả mình nhận)
Hay ở một chủ đề khác, khi trình bày về hạnh bố thí (cho đi), Hisashi Ota đã chia sẻ về Bảy loại tặng phẩm không phải bằng vật chất. Đó là: 1. Nhãn thí: Cho ánh mắt từ ái; 2. Nhan thí: Tặng nét mặt vui vẻ; 3. Ngôn thí: Tặng lời nói tốt lành; 4. Thân thí: Tặng hành động nhân ái; 5. Tâm thí: Tặng tấm lòng rộng mở; 6. Tọa thí: Tặng chỗ ngồi cho người cần; và 7. Phòng thí: Tặng nơi ở cho người cần. Với những tặng phẩm này thì dù không sở hữu của cải vật chất chúng ta vẫn có thể thực hành hạnh cho đi. (Bài 8: Sáu việc làm tốt (3): Cho đi)
Tác giả cũng đã chia sẻ về những điều để có thể thành công trong đời. Theo đó, để thành công cần đối xử tốt với người khác và biết giữ lời hứa; cố gắng hết mình và nỗ lực vượt bậc. Và quan trọng nhất là “tự soi xét hành động của mình thì chắc chắn sẽ thành công”. Theo tác giả, Thiền định hiểu đơn giản nhất là “tự soi xét”. Đơn giản nhưng đầy triết lý, đó là những gì Hisashi Ota chia sẻ và gởi gắm đến độc giả. (Bài 11: Sáu việc làm tốt (6): Nỗ lực, tự soi xét bản thân và tu dưỡng)
Khi thành công (và kể cả khi chưa thành công), con người ta thường dễ phát sinh tâm tự cao. Theo đó, thầy Suzuki (nhân vật Thầy giáo trong truyện tranh) đã chia sẻ “Tự cao là một trong những ham mê trần tục. Về cơ bản nó nghĩa là kiêu ngạo”. Bảy loại kiêu ngạo trong Phật giáo cũng lần lượt được trình bày. Và theo thầy Suzuki thì “Đức Phật đã dạy cho chúng ta mọi điều để hiểu về chính chúng ta”. (Bài 18: Bảy loại kiêu ngạo)
Bên cạnh những vấn đề mà chúng tôi đã tóm lược và giới thiệu, “Đạo Phật vỡ lòng” còn chia sẻ về ý nghĩa thật sự của câu nói: “Chỉ có ta là bậc tôn quý” (Duy ngã độc tôn); những đam mê trần tục; việc làmtổn thương người khác bằng lời nói và tinh thần tử tế với người khác… Theo tác giả, “Những điều Đức Phật giảng, nói gọn lại, là về tinh thần cho đi:
“Nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy chú tâm vào việc cho đi”
“Đạo Phật vỡ lòng” thật sự đã “giải thích những lời dạy của Đức Phật theo cách dễ hiểu nhất thông qua truyện tranh”.
Với tất cả tinh thần tùy hỷ, Fanpage Sách Phật Giáo xin giới thiệu tập truyện tranh “Đạo Phật vỡ lòng” đến tất cả mọi người, nhất là quý phụ huynh. Mỗi gia đình hãy cùng đọc và giải thích cho con em hiểu về đạo Phật, hiểu về những lời dạy của Đức Phật một cách đơn giản, dễ hiểu nhất.
Đồng thời, “Đạo Phật vỡ lòng” theo chúng tôi là một món quà thiết thực mà Ban tổ chức các Khóa tu dành cho các bạn trẻ có thể tặng khi kết thúc khóa tu. Để các bạn trẻ, các em Tu sinh khi về lại nhà có thể ôn lại những lời dạy cao quý của Đức Phật là một điều tuyệt vời!
Cuối cùng, xin mượn lời của tác giả Hisashi Ota để kết thúc bài giới thiệu sách: “Mong muốn được thể hiện những lời dạy của Đức Phật theo cách mà trẻ nhỏ cũng có thể lĩnh hội là điểm khởi đầu cho cuốn truyện tranh này”.
Vài lời giới thiệu đến mọi người. “ĐẠO PHẬT VỠ LÒNG”, cuốn truyện tranh giải thích những lời dạy của Đức Phật. Tác giả: Hisashi Ota (chủ biên: Kentaro Ito). Phạm Huyền – Tú Anh dịch. NXB. Lao Động, Sách Thái Hà. 200 trang.
>>>>>> Mượn sách: Xin liên hệ Văn Phòng chùa Bửu Đà - Phòng Thư Viện