Vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội chưa ai có thể phủ nhận. Phụ nữ luôn mang trong mình nhiều mối quan tâm, nhiều lo lắng, nhiều bổn phận và trách nhiệm. Có người nói “Phụ nữ là thượng nguồn của thế giới, thượng nguồn không đục, dòng nước tự nhiên thanh khiết”. Nếu coi gia đình là một cây đại thụ thì nữ giới chính là nguồn nước, cây mà thiếu nước ắt khô cằn, cành lá cũng héo úa.
Vậy phụ nữ làm thế nào để cải thiện khí chất, tích lũy công đức cho bản thân và mang lại phúc báo cho gia đình?
Tại một thị trấn nhỏ, có một cặp vợ chồng sống với cô con gái cùng cha mẹ già. Với công việc giáo viên, mức lương của họ chỉ đủ trang trải cho cuộc sống giản dị của cả gia đình. Mặc dù nghèo nhưng họ sống rất hạnh phúc và yêu thương nhau.
Tuy nhiên cuộc sống bình an của họ bỗng gặp sóng gió bất ngờ. Cô bé khi lên 5 tuổi bị chẩn đoán mắc một chứng bệnh ung thư máu, là loại bệnh nan y.
Gia đình họ đã phải bán hết tất cả tài sản dù nhỏ nhoi có được để làm sao cứu sống cô bé vốn là tài sản giá trị nhất của họ. Tuy nhiên sức khỏe cô bé không hề khá hơn mà ngày càng tồi tệ đi, các bác sĩ tư vấn rằng ghép tủy là lựa chọn duy nhất để giành lấy sinh linh bé nhỏ này từ tay Tử thần vốn đang rất gần.
Người mẹ làm các cuộc xét nghiệm với hy vọng có cơ hội cứu đứa con duy nhất. Thật không may là tủy của cô không phù hợp với con gái ruột của mình, nhưng lại cần để ghép tủy cho một cậu bé khác cũng mắc căn bệnh tương tự. Vì vậy các bác sĩ đã thuyết phục cô hiến tủy cứu cháu bé con người khác.
Cha mẹ và chồng cô không đồng tình. Tuy nhiên khi nghĩ đến cậu bé có thể được cứu chữa nếu dùng tủy của mình, cô vô cùng thương xót và chấp nhận sẽ hiến tủy giúp gia đình cậu bé.
Để có thể hiến tủy, người mẹ phải dùng thuốc kích một số tế bào gốc, vốn là điều rất khó chịu và gây đau đớn. Nhưng cô vẫn chấp nhận và quyết tâm chịu đựng để cứu cậu bé. Cuối cùng cậu bé đã được cứu sống. Gia đình cậu mang tới nhà cô một số tiền lớn để cảm ơn. Tuy nhiên người mẹ nhân hậu và dũng cảm ấy đã từ chối, cô nói rằng họ cần số tiền này để giúp cháu bé sớm bình phục hoàn toàn.
Cha mẹ cậu bé vô cùng cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của người mẹ đó, và họ đã kể lại câu chuyện này với các phương tiện truyền thông. Rất nhiều người khi biết được câu chuyện cảm động này đã tình nguyện quyên góp tiền để giúp gia đình cô vượt qua cơn hoạn nạn.
Trong kinh tạng Nikàya, Đức Phật đã chỉ dạy nữ thí chủ Visàkhà về 4 pháp giúp người phụ nữ thành công ở đời này: có khả năng khéo làm các công việc, biết thâu nhiếp các người phục vụ, sở hành vừa ý chồng, biết giữ gìn tài sản gia đình và 4 pháp giúp người ấy thành công ở đời sau: đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.
Như vậy, phúc báo của một người vợ, người mẹ không chỉ quyết định tương lai của họ tốt đẹp đến đâu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của cả gia đình, chồng con và cả dòng họ. Vậy nên, phúc phần của người phụ nữ dày hay mỏng được quyết định bởi thái độ sống biết trải lòng từ bi, yêu thương tới mọi người, cách đối nhân xử thế của họ. Từ tâm luôn là điều ai cũng cố gắng làm được, phụ nữ từ tâm sẽ giúp chồng con được hưởng phúc đức cả đời.
Ngoài các thiện hạnh bố thí, phóng sinh, người phụ nữ có thể bắt đầu tích lũy công đức cho mình và gia đình từ việc tụng kinh, niệm Phật. Tụng đọc kinh Phật chính là khởi đầu đúng đắn trong cuộc đời, giúp người phụ nữ học cách làm người mẹ tốt, con dâu tốt, người vợ tốt. Bởi những lời dạy trong kinh của Đức Thế Tôn về người con gái trước thềm hôn nhân, người vợ lý tưởng, trách nhiệm của cha mẹ, vợ chồng, con cái trong gia đình…. đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, vẫn rất cần cho những ai đang khát khao tìm kiếm một liệu pháp an định thân tâm giữa cuộc đời bề bộn hôm nay. Người mẹ biết tụng đọc kinh Phật, con cái tất ngoan; người vợ biết tụng đọc kinh Phật, người chồng sẽ tốt; người con dâu biết tụng đọc kinh Phật, ông bà tất an vui...!
6 lợi ích của việc tụng kinh, niệm Phật đối với người phụ nữ:
1. Nhận thức được chân lý cuộc sống, hiểu được nguyên tắc vận hành của cuộc sống gia đình, chọn được con đường đi đúng đắn trong cuộc đời.
2. Nuôi dưỡng hạnh phúc, nâng cao năng lượng sống trong gia đình.
3. Hóa giải tâm trạng không tốt ở tuổi xế chiều, tích lũy năng lượng sống trong suốt nửa đời còn lại.
4. Tăng thêm sự đồng cảm, sẻ chia giữa hai vợ chồng, tình thân giữa mẹ và con.
5. Cảm nhận được ý nghĩa trong từng việc làm, lời nói, suy nghĩ.
6. Con cái biết noi gương mẹ làm những điều thiện lành, chồng thêm yêu gia đình.
Nguồn: phatgiao.org