Phật tử có nên thờ Quan Công

Chủ nhật, 01/11/2020, 04:20 GMT+7
     GN - HỎI: Xin hỏi quý Báo, theo Phật giáo, trong nhà Phật tử có nên thờ vị Quan Công? Vì sao? 
 
(THỌ LÊ, vinhtho...@gmail.com)
 
tuongqc2.jpg
Trong gia đình người Phật tử Việt không nhất thiết phải thờ vị thần tướng này
 

     ĐÁP: Bạn Thọ Lê thân mến!

 
     Quan Công tên thật là Quan Vũ (160-219), tự Vân Trường, người tỉnh Sơn Tây, là một nhân vật lịch sử thời Tam Quốc (211-264) ở Trung Quốc. Sau thất thủ Kinh Châu, Quan Vân Trường bị quân Đông Ngô phục kích và tử trận. Sinh thời, Quan Công là vị tướng văn võ toàn tài, trung nghĩa, thẳng thắn, hiên ngang, chính trực, sau khi mất ông hiển linh và được tôn là vị Tướng thần.
 
     Đến thế kỷ VI, vào đời Tùy (581-619) dân gian lập miếu thờ ông tại quê hương tỉnh Sơn Tây, các thần tích của ông bắt đầu được lưu truyền rộng rãi trong dân chúng, trong đó nổi bật là chuyện Đức Quan Thánh quy y Phật pháp. 
 
     Theo sách Lục đạo tập, vào đời nhà Tùy có ngài Thiên Thai Trí Giả (538-597), lúc nhập định tại núi Ngọc Tuyền chuyên trì tụng kinh Pháp hoa, chứng Pháp hoa tam muội, được chư thiên cúng dường, các thiện thần mến mộ. Ngày nọ, ngài Trí Giả chợt thấy một trang nam tử râu dài mặt đỏ, tướng mạo đoan trang đi tới. Ngài hỏi: “Nhân giả là ai? Đến đây có việc gì?”. Quan Thánh bèn cúi đầu vòng tay thưa: “Đệ tử tên là Quan Vũ”. Ngài tiếp hỏi rằng: “Có phải ông là danh tướng đời Tam Quốc?”. Quan Thánh đáp: “Thưa phải, chính tôi đây”. 
 
     Ngài Trí Giả khen rằng: “Ta hằng nghe tướng quân giữ một lòng trung nghĩa, sống làm tướng, chết làm thần phục trừ ma quỷ. Nay nơi núi cao rừng thẳm, không hẹn mà gặp, thật là một đại nhân duyên vậy”. Quan Thánh thưa rằng: “Nay gặp đời mạt thế, cách Phật đã xa, cương thường luân lý đảo ngược, gian thần, tặc tử đầy rẫy khắp nơi, may nhờ ngài ra đời, phụng hành Phật pháp nên tôi nguyện hướng Phật, mong ngài tế độ, tôi nguyện kiến tạo một ngôi già-lam để đại sư làm đạo tràng hoằng pháp lợi sinh”. 
 
     Nghe xong ngài Trí Giả hoan hỷ với lời thỉnh nguyện đó. Khi ngôi chùa xây xong, kẻ Tăng người tục đều tìm đến quy y, nghe pháp thật đông đảo. Bấy giờ Quan Thánh đến xin thọ Tam quy Ngũ giới. Từ đó trở đi, uy danh của Đức Quan Thánh ngày càng lớn, oai thần càng linh hiển.
 
     Sang đời Đường (618-907), Thiền sư Bách Trượng-Hoài Hải (720-814) ghi nhận Quan Công là vị thần Hộ pháp già-lam (Bách Trượng thanh quy, quyển 2, chương hai: Báo ân, phần 1.11 Phụ: Già-lam sanh nhựt). Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần được nghiên cứu thêm bởi Bách Trượng thanh quy có nhiều dị bản và được nhiều người đời sau chấp bút. 
 
     Đến đời Tống (962-1279), Quan Công trở thành vị Thánh trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, có ảnh hưởng lớn trong đời sống văn hóa-xã hội, được thờ cúng khắp mọi nơi, phổ biến trong Tam giáo (Phật, Khổng, Lão). 
 
     Vào cuối đời Nguyên, đầu đời Minh, La Quán Trung (khoảng 1330-1400) viết tiểu thuyết chương hồi rất nổi tiếng. Tiểu thuyết ghi, Quan Công sau khi chết  hồn cưỡi ngựa Xích Thố, đêm đêm phi ngựa khắp nơi kêu gào “Trả đầu cho ta” khiến bá tánh thảy đều kinh động. Khi đến núi Ngọc Tuyền, Thiền sư Phổ Tỉnh liền bước ra khỏi am hỏi lớn: “Vân Trường có thực sự tồn tại chăng?” (Vân Trường an tại?). Câu hỏi đó đã tức khắc khai ngộ cho Quan Công. Đại ngộ rồi, Quan Công cúi đầu làm lễ quy y mà đi (Tam quốc diễn nghĩa, hồi 77). Huyền tích này đã góp phần củng cố vị thế hộ pháp của Quan Công trong Phật giáo Trung Quốc.
 
     Từ thời nhà Minh trở về sau, Quan Công còn là vị thần thủ hộ của giới doanh thương Trung Quốc, được thờ cúng khắp nơi ở nhiều đền, miếu, chùa, đạo quán và trong gia đình, cửa hiệu buôn bán v.v… Tín ngưỡng Quan Công trở thành tín ngưỡng quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Trung Quốc. 
 
     Tại xứ ta, vào thế kỷ XVII, những lưu dân người Hoa (Phúc Kiến, Quảng Đông) đầu tiên theo các cựu tướng của nhà Minh như: Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, Mạc Cửu,… di cư đến các vùng Chợ Lớn, Bình Dương, Biên Hòa, Mỹ Tho và Hà Tiên đã mang theo tín ngưỡng Quan Công. Sang thế kỷ XVIII, XIX và nửa đầu thế kỷ XX, người Hoa lại tiếp tục sang xứ ta định cư làm ăn, buôn bán, tín ngưỡng Quan Công dần phổ biến. Ngoài cộng đồng người Hoa, một bộ phận người Việt ở các địa phương Nam Bộ như: Đồng Nai, Bình Dương, Sài Gòn-Gia Định, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang cũng tiếp nhận tín ngưỡng này. Ngoài các đạo quán và đền miếu chuyên thờ Quan Công, chùa Việt ở vài nơi cũng thờ Quan Công là vị hộ pháp già-lam.
 
     Hiện một số Phật tử vẫn thờ Quan Công như vị thần trừ yêu, diệt quỷ, phò hộ làm ăn theo truyền thống tín ngưỡng lâu đời. Theo tinh thần chánh kiến của Phật giáo, người Phật tử Việt chỉ kính tin và thờ phụng Tam bảo (Phật-Pháp-Tăng) để thực hành Chánh pháp, tu tạo phước đức, phụng sự tha nhân là đã đầy đủ. Phụng thờ Phật-Pháp-Tăng sẽ được uy đức Tam bảo gia hộ, chư thiên và các thiện thần nói chung mến mộ, che chở, hộ trì. Thiển nghĩ, một khi đã hiểu Phật pháp và tường tận về việc hình thành tín ngưỡng Quan Công trong truyền thống văn hóa Trung Quốc, trong gia đình người Phật tử Việt không nhất thiết phải thờ vị thần tướng này cũng như các vị thần khác như Ông Táo, Thổ Địa, Thần Tài v.v... 
 
Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ
(tuvangiacngo@yahoo.com)
Ý kiến của bạn