GN - Trung và Hương là hai vợ chồng Phật tử. Cả hai hiện kinh doanh shop quần áo trẻ em tại nhà ở TP.Gia Nghĩa, Đắk Nông. Mọi năm, vào mùa Phật đản, vợ chồng Trung-Hương thường lên chùa dự lễ. Năm nay, hưởng ứng lời kêu gọi “nhà nhà làm Phật đản”, cả hai quyết định thực hiện một “lễ đài Phật đản siêu nhỏ” tại nhà. Các thành viên trong gia đình, đặc biệt là hai con nhỏ, đã hưởng ứng tích cực việc làm này. Chẳng mấy chốc, Đức Phật đã thị hiện tại shop của Trung và Hương. Khách đến mua hàng ngạc nhiên với hình ảnh vườn Lâm Tỳ Ni xinh xắn, nhiều người xin được tắm Phật.
Một trong những hình ảnh "nhà nhà làm Phật đản" của ĐĐ.Quảng Mẫn
Chương trình “nhà nhà làm Phật đản” do ĐĐ.Thích Quảng Mẫn - trụ trì chùa Liên Hoa, TT.Kiến Đức, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông - kêu gọi Phật tử cùng tham gia. Ngay ngày đầu tháng Tư âm lịch, Đại đức đã đăng tải trên Facebook chùa Liên Hoa một clip ngắn hướng dẫn cách làm vườn Lâm Tỳ Ni tại nhà từ những vật liệu gần gũi, rẻ tiền. Người nào còn bỡ ngỡ với việc tự tay thực hiện, thầy sẽ đến giúp. Thầy còn tặng những mô hình hoàn thiện cho các Phật tử nghèo, neo đơn ở vùng sâu, vùng xa. Không lâu sau đó, Phật tử nhiều nơi, trong cũng như ngoài tỉnh, đã chụp hình khu vườn Lâm Tỳ Ni mà họ đã tự tay làm, gửi về “khoe” với thầy.
Theo đó, Đức Phật sơ sanh đã “thị hiện” trong nhiều gia đình, trong các cửa hàng kinh doanh, trong phòng làm việc… của nhiều Phật tử. Mỗi ngày, các Phật tử tùy duyên tắm Phật, chiêm ngưỡng Phật mà không phải lên chùa. Nhờ Covid-19, Phật đã đến gần hơn với mọi người.
Tương tự, tại Bảo Lộc, Phật tử Thu Nguyệt cũng tự tay thiết trí không gian Phật đản tại nhà: một tôn tượng Phật đản sinh nhỏ, một chiếc đĩa, một ít hoa trâm ổi, hoa cỏ đậu phộng… Vậy thôi, chị chăm chút sự bình dị bằng cây nhà lá vườn nhưng rất trang nghiêm. “Ở nhà với Phật” như thế, dù một mình giữa cảnh núi rừng, chị vẫn không cảm thấy cô độc.
… Sự cô độc là một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Trong guồng quay tất bật của cuộc mưu sinh, nhiều người đã không coi căn nhà của họ là tổ ấm nữa, đơn thuần đó chỉ là một chỗ trọ. Công việc đẩy họ ra khỏi nhà, từ sáng sớm đến tối mịt. Lâu thành quen, kể cả những hôm nghỉ làm, họ cũng tìm cớ để ra ngoài: đi mua sắm, thăm thú bạn bè, hẹn hò quán xá, hoặc đơn giản chỉ ngồi đâu đó để ngắm nhìn sự huyên náo. Ở nhà lâu với họ là một cực hình, bất kể nơi đó có những người thân.
Nhưng dịch bệnh đã khiến họ phải thay đổi tất cả. Tốt nhất là không nên ra khỏi nhà. Họ phải tập quen dần với sự sống chậm có vẻ nhàm chán. Nhưng nhờ đó, nhiều người đã có cơ hội quán chiếu sâu hơn về bản thân, trải nghiệm những chiều kích tâm linh để có thể tìm thấy bình an và niềm vui tự nội. Trong một khía cạnh tích cực, theo đó, mối liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên sâu sắc hơn.
Mùa Phật đản PL.2564, những quy ước và quan niệm thông thường vốn quen thuộc với số đông bị phá vỡ: Không cờ hoa ngập trời, thực hiện giãn cách xã hội... Tuy nhiên sự kiện này không vì thế mà mất đi ý nghĩa đặc biệt. Việc “làm Phật đản” tại nhà thực sự đã làm giàu thêm đời sống tâm linh của họ, và là cách thiết thực để giáo dục con cái theo chân - thiện - mỹ.
Phật đản năm nay là cơ hội chúng ta ở nhà với Phật và tâm luôn có Phật.
Quảng Kiến
Quốc Tú (buôn Trum, xã Đắk Wil)