Hiện nay, khá nhiều người có những nhận thức và hành động sai lệch với việc ăn chay:
Tự thân việc ăn chay không giúp chúng ta đạt đến sự giải thoát. Nếu bạn là người ăn chay trường và xem đó như một thành quả tu tập mà không quan tâm đến các pháp tu khác thì đó là một sai lầm nghiêm trọng. Một người có thể ăn chay qua mười năm, hai mươi năm, nhưng điều đó không nói lên được sự tiến bộ tâm linh trong tu tập. Ăn chay có thể là một bước tiến, một thay đổi tốt trong sự tu tập nói chung của bạn, nhưng nếu chỉ biết ăn chay mà không hành trì bất kỳ một pháp môn nào khác, không quan tâm đến việc tu dưỡng tâm tánh, thì sự ăn chay của bạn sẽ không thực sự mang lại lợi ích.
Rất nhiều người phát tâm ăn chay để cầu nguyện điều này, điều khác… và gọi đó là “hồi hướng công đức ăn chay”. Thật ra, việc ăn chay tự nó không tạo ra công đức gì cả. Nếu bạn từ bỏ việc ăn thịt, đó là bạn bắt đầu dừng lại những nghiệp ác của mình, nhưng không có nghĩa là bạn đang tạo tác nghiệp lành. Hơn thế nữa, sự chuyển hóa tâm thức trên con đường tu tập đòi hỏi bạn phải có những nỗ lực tu dưỡng, sửa đổi và hoàn thiện chính mình, và những điều đó không tự nhiên diễn ra chỉ vì bạn ăn chay.
Nhiều người ăn chay vì nghĩ đó là điều bắt buộc phải làm, vì cho đó là điều tốt chẳng hạn. Do đó, họ phải luôn tự thúc ép, kiềm chế bản thân mình, ngay cả khi họ chưa sẵn sàng để ăn chay. Những người này ăn chay nhưng vẫn thèm thuồng các món thịt cá và không có một ý niệm gì khác hơn ngoài việc cố ra lệnh cho bản thân mình phải ăn chay! Ăn chay như vậy sẽ là một cực hình và không thể kéo dài. Do đó, có những người ăn chay trường trong nhiều năm rồi sau đó “ngả mặn”! Họ đã ăn chay nhưng chưa hề có được một nhận thức đúng về việc ăn chay.
Kinh Pháp cú dạy rằng: “Ý dẫn đầu các pháp.” Vì thế, trước khi bắt đầu ăn chay, bạn cần có một sự phát tâm chân chánh, đúng đắn. Ăn chay vì muốn nuôi dưỡng lòng từ bi, ăn chay vì tin sâu nhân quả… đó là những ý nghĩa bạn cần quán niệm một cách sâu xa để phát khởi động lực ăn chay, để hướng tâm ý của bạn về việc ăn chay trước khi thân xác bạn làm theo. Khi đã có một động lực rõ ràng và mạnh mẽ, cho dù bạn có thể vẫn còn những ham muốn theo thói quen từ lâu đời, nhưng bạn sẽ dễ dàng chế ngự được chúng mà không cảm thấy quá khó khăn. Hơn thế nữa, những ham muốn đó sẽ ngày càng giảm đi cho đến lúc triệt tiêu hẳn trên con đường tu tập của bạn.
Những người ăn chay với động lực chân chánh sẽ không bao giờ cảm thấy khổ sở vì sự thèm thuồng hay phải tự ức chế mình, mà họ sẽ dần tập thành thói quen ăn chay như một điều tự nhiên, không cần phải quan tâm đến nữa.
Ăn chay vốn dĩ đã là một điều hoàn toàn tự nhiên đối với cơ thể con người. Chính việc ăn thịt động vật mới là một thói quen mà con người tự tạo ra và huân tập qua nhiều đời. Trong tự nhiên, các loài hổ báo có thể thản nhiên xé xác con mồi để ăn thịt, nhưng con người không thể nào nuốt nổi dù chỉ một miếng thịt sống! Chúng ta cần phải nấu nướng, chế biến đủ cách trước khi có thể đưa máu thịt động vật vào cơ thể mình. Chúng ta không có móng vuốt, răng nanh…
Cấu trúc ruột của con người cũng không chấp nhận được việc tiêu hóa thịt sống, mà hoàn toàn phù hợp với việc ăn rau quả, ngũ cốc… Cho nên, nếu ý thức được việc ăn chay là quay về với nếp sống tự nhiên của chính mình, ta sẽ không thấy quá khó khăn trong sự từ bỏ việc ăn thịt.
Sai lầm này cũng chỉ thường gặp ở những người ăn chay mà không thực sự hiểu được ý nghĩa của việc mình đang làm. Vì thế, nó có thể xem là một biến dạng của những sai lầm đã nói trên. Một số người tự xem việc ăn chay của mình là một thành tựu ghê gớm và do đó họ cảm thấy tự mãn rồi xem thường, kích bác những người không ăn chay.
Nếu bạn ăn chay được, tất nhiên đó là một điều tốt, hãy tận dụng điều kiện tốt đẹp đó để thực hành các pháp tu mà Đức Phật đã dạy. Và nếu bạn thực sự có tu tập như thế, chắc chắn sẽ không có chỗ cho những sự kiêu mạn, kích bác hay tranh biện khởi lên trong tâm bạn. Hãy luôn nhớ rằng, những người không ăn chay – hoặc chưa ăn chay – không có nghĩa là họ không tu tập Phật pháp.
Minh Chính (Tổng hợp)