Những điều cần biết về ung thư tuyến tiền liệt

Thứ năm, 16/04/2020, 20:34 GMT+7
     GNO - Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ, có hình hạt đậu nằm bên dưới bàng quang và bao quanh niệu đạo. Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào trong tuyến tiền liệt phát triển một cách không thể kiểm soát, có thể lan ra hoặc gây các biến chứng khác do tuyến tiền liệt phình to bất thường. 
 
ut ttl.jpg
Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và lịch sử gia đình là các nhân tố quan trọng để tiến hành tầm soát bệnh
 
     Đây loại ung thư phổ biến thứ hai trên thế giới ở nam giới và là nguyên nhân thứ 5 gây tử vong (ở người nam) trên toàn cầu, chỉ sau ung thư phổi - theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS). Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, tỉ lệ sống sót 5 năm sau phát hiện ở tất cả các giai đoạn bệnh là 98%.
 
     Theo thống kê, tỉ lệ người mắc ung thư tuyến tiền liệt cao nhất ở Úc, New Zealand, Bắc Mỹ, tây và bắc Âu.
 
     Nguyên nhân bệnh
 
     Nhìn chung, các loại ung thư hình thành khi các tế bào bất thường bắt đầu nhân đôi và phát triển không kiểm soát; nhiều hơn số tế bào chết đi và được thay thế bằng các tế bào khỏe mạnh. Điều này xảy ra khi các DNA khiếm khuyết được di truyền hay do các nhân tố môi trường như hút thuốc lá, tiếp xúc với phóng xạ. 
 
     Hiện các nhà khoa học vẫn chưa biết chắc chắn nguyên nhân gây ra ung thư tuyến tiền liệt nhưng bệnh này có liên quan gần với nhiều yếu tố nguy cơ.
 
     Tuổi tác: 90% trường hợp ung thư tuyến tiền liệt ở nam giới từ 56 tuổi trở lên, theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (NCI). Và khả năng nhắc bệnh tăng lên theo tuổi tác, với khả năng cao nhất (1/12 người) ở nam giới từ 70 tuổi trở lên.
 
     Tiền sử gia đình có người mắc ung thư tuyến tiền liệt cũng là yếu tố nguy cơ cao. Nguy cơ bệnh do di truyền chiếm khoảng 60%, theo NCI. Các quan sát từ nghiên cứu cho thấy khả năng mắc bệnh này cao nhất đối với nam giới da đen, thấp nhất đối với người Nhật bản địa và trung bình với người da trắng. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân do đâu.
 
     Biểu hiện của ung thư tuyến tiền liệt
 
     Nếu ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sớm, bệnh nhân chưa có biểu hiện gì của bệnh. Trong các giai đoạn về sau sẽ có các biểu hiện như: khó tiểu, có máu trong nước tiểu (hoặc tinh trùng), rối loạn chức năng nam giới, đau lưng dưới hoặc vùng hông, bẹn - theo ACS.
 
     Các biểu hiện này cũng có thể do các chứng bệnh khác như phì đại tuyến tiền liệt không phải ung thư. Điều quan trọng là cần đi khám nếu có các biểu hiện này để được xét nghiệm khi cần. 
 
     Hầu hết ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện sau xét nghiệm mức PSA trong máu. PSA là protein do tuyến tiền liệt sản xuất ra; mức PSA cao trong máu có thể liên quan đến nguy cơ cao với ung thư. Tùy thuộc vào kết quả các xét nghiệm này, bác sĩ sẽ đưa ra các quyết định khác như sinh thiết hay CT scan để chẩn đoán ung thư. 
 
     Tuổi tác, sức khỏe tổng thể và lịch sử gia đình là các nhân tố quan trọng để tiến hành xét nghiệm. 
 
     Điều trị ung thư tuyến tiền liệt 
 
     Với bệnh nhân có nguy cơ thấp hay ung thư tăng triển chậm và không có biểu hiện thì có thể không cần điều trị. Thay vào đó, bác sĩ sẽ khuyên nên thường xuyên xét nghiệm để theo dõi. Đây cũng là cách điều trị cho các bệnh nhân lớn tuổi mắc bất ổn sức khỏe khác khiến việc điều trị ung thư khó khăn.
 
     Phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt cũng là một lựa chọn nhưng có thể gây ra bất tiện trong việc tiểu và chức năng nam giới. Xạ trị tiêu diệt tế bào ung thư cũng có thể để lại các bất ổn này.
 
     Các tế bào ung thư ở tuyến tiền liệt cần có testosterone để phát triển vì thế liệu pháp hormone để dừng sự sản xuất hormone này cũng có thể giúp làm chậm, hạn chế sự phát triển ung thư. Một số tác dụng phụ có thể là suy giảm chức năng nam giới, bốc hỏa, mất xương, tăng cân.
 
     Phương pháp hóa trị sử dụng thuốc để diệt tế bào ung thư cũng là một lựa chọn khi cơ thể không tiếp nhận các trị liệu khác. 
 
     Ngoài ra, liệu pháp sinh học cũng được sử dụng đối với các trường hợp ung thư tuyến tiền liệt khó. Theo đó, bác sĩ trích xuất tế bào miễn dịch của bệnh nhân, biến đổi để chúng chuyên biệt chống lại tế bào ung thư và sau đó tiêm lại các tế bào này vào cơ thể bệnh nhân. Theo Bệnh viện Mayo, giải pháp này hiệu quả ở một số bệnh nhân nhưng khá đắt và qua nhiều quy trình.
 
     Ngăn ngừa ung thư bằng cách nào?
 
     Không có cách nào giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, cũng như với hầu hết các loại ung thư khác, duy trì lối sống khỏe mạnh là cách tốt nhất để giảm nguy cơ ung thư, theo ACS.
 
Huệ Trần
(theo Live Science)
Ý kiến của bạn