Ngộ là gì ? Tưởng dễ mà khó trả lời. Người Phật tử thì ai cũng biết từ "Ngộ" (viết tắt của giác ngộ, ngộ đạo), nhưng hỏi ra thì vẫn khiến nhiều người bối rối, không hiểu cụ thể ngộ là cái gì.
Bởi vậy mới có chuyện một bụng Tam Tạng kinh điển, Phật pháp làu làu, tu Phật từ hồi dậy thì tới khi mãn kinh...mà đụng chuyện vẫn vui buồn đau khổ với đời.
Hiểu và ngộ tưởng giống nhau nhưng kì thực khác nhau, và đây chính là chỗ khiến nhiều người nhầm lẫn. Chỉ cần thông minh một tí là có thể hiểu, nhưng để ngộ được ý thì cần sự trải nghiệm và thời gian.
Ví dụ để hiểu khái niệm vô thường không khó, để giảng nói cho mọi người hiểu về vô thường cũng rất dễ và điều này làm nhiều người lầm tưởng rằng họ ngộ cái sự vô thường. Cho đến một ngày sự mất mát ập đến, người ta như rơi vào tuyệt vọng và cố bám víu vào "cái sự ngộ vô thường" (mà họ tưởng là đã ngộ) để tự cứu lấy bản thân nhưng kì thực, mọi thứ lúc này là một khoảng không vô định, để mặc ta với khổ đau và cả sự hồ nghi giáo pháp.
Phải chăng "Ngộ" chỉ là một ảo tưởng bản thân do con người vẽ ra để tự lừa dối chính mình ?
Không !
Lý do bạn không thể ngộ dù đã biết rõ nó, chỉ vì bạn chưa trải qua và sống thực sự với điều đó.
Trong bộ phim "Xuân hạ thu đông rồi lại xuân", chú tiểu sống từ nhỏ với vị thầy (và chắc chắn chú cũng hiểu rõ về sự khổ đau của ái dục qua lời dạy của thầy), vậy mà tuổi đôi mươi chớm nở chú phá giới, quan hệ với một cô gái và bỏ thầy bỏ chùa ra đời để rồi nếm trải bao cay đắng của cuộc đời. Chỉ khi chú tiểu ngày nào trải qua các sóng gió, đầu hai thứ tóc, trở về cảnh chùa xưa đìu hiu thì lúc này mới hiểu ngộ là gì.
Giáo pháp của Phật chỉ đơn giản là những khái niệm vô hồn, sáo rỗng nếu nó không thể thẩm thấu vào cuộc đời mỗi chúng sinh. Chỉ khi giáo pháp đi vào mỗi người tự nhiên như hơi thở, để ở đó ta không còn nhận ra giáo lý sách vở nữa mà chỉ còn là sự thực thấy, thực trải qua và cảm niệm, thì đó là ngộ.
Ngộ thì không băn khoăn, mơ hồ, gượng ép, ngộ là bản thân, bản thân và giáo pháp hòa làm một.
- Cư sĩ Pháp An -