(NHUẬN ĐỨC, gioidinhtue347@gmail.com)
Đức Phật từng dạy, nếu chúng ta có ít hoặc không có tham ái thì không sinh vào cõi Ta-bà này
ĐÁP:
Bạn Nhuận Đức thân mến!
14 lời dạy của Đức Phật hiện đang được lưu truyền, theo các nhà nghiên cứu Phật học, không có nguyên văn trong kinh Phật, mà đó là do người đời sau khái quát, tổng hợp ý nghĩa những lời dạy của Thế Tôn rải rác trong Kinh tạng.
Lời dạy thứ 11 “Món nợ lớn nhất đời người là tình cảm”, vì sao tình cảm là món nợ lớn nhất đời người? Kinh Phật đã xác định, chính ái (tình cảm, luyến ái), tham ái (thấy thích, dễ thương sinh tâm muốn nắm giữ không rời; các dục vọng nói chung), dục ái (mong muốn hiện hữu nơi cõi Dục), hữu ái (mong muốn hiện hữu nơi cõi Sắc), vô hữu ái (mong muốn hiện hữu nơi cõi Vô sắc) là nguyên nhân chủ yếu của mọi khổ đau, luân hồi sinh tử, chướng ngại sự giải thoát và chứng đắc Niết-bàn.
Cả một đời người, khi chúng ta sinh ra nợ ân tình yêu thương nuôi dưỡng của cha mẹ (xa hơn là tổ tiên). Khi chúng ta trưởng thành, nợ ân tình yêu thương của người phối ngẫu nên gắn bó cả đời. Chúng ta tạo ra con cháu lại tiếp tục yêu thương, nuôi dưỡng chúng. Đến khi chúng ta nhắm mắt lìa đời, vòng xoáy ái ân tình cảm ấy vẫn tiếp tục vận hành, tạo ra duyên nợ người thân, người thương vô cùng vô tận.
Đức Phật từng dạy, nếu chúng ta có ít hoặc không có tham ái thì không sinh vào cõi Ta-bà này. Nên đã sinh ra làm người, sống ở đời thì (ngoài các bậc Bồ-tát theo nguyện tái sinh) tất cả chúng ta đều do nghiệp ái (tình/tình cảm) đưa đẩy, dẫn dắt. Chúng ta là những người đang thừa tự (nợ) nghiệp ái với các nhân duyên, các mối liên hệ chằng chịt mà chỉ có bậc tu hành A-la-hán mới thoát ra được.
Thành ra, muốn thoát ly sinh tử của Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) thì trước hết phải thấy rõ tự thân của mình đang mang món nợ tình cảm rất to lớn. Cần phải đoạn tận ái, trả xong hết nợ nần ái dục trần gian mới có thể tự tại, giải thoát.
Chúc các bạn tinh tấn!
TỔ TƯ VẤN
(tuvangiacngo@yahoo.com)