Mận - loại quả phổ biến mùa hè, vừa bổ dưỡng, dễ ăn mà Đông y còn sử dụng để làm thuốc.
Mận ở Sapa vào mùa thu hoạch. Ảnh: Ngọc Thành
Lương y Bùi Đắc Sáng, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ, cho biết, cả quả, nhân hạt, lá, nhựa, vỏ cây mận đều có thể làm thuốc.
Quả mận vị chua chát, tính bình, tác dụng bổ xương, chủ trị đau xương khớp. Nhân hạt (còn gọi là úc lý nhân) vị đắng tính bình, tác dụng lợi tràng, hoạt huyết, chủ trị chấn thương. Hoa thơm, vị đắng, chủ trị tàn nhang, rám má. Lá vị ngọt, chua, tính bình, tác dụng giải cảm. Nhựa vị đắng tính lạnh, chủ trị sưng đau mắt. Vỏ cây mận hay còn gọi là bạch úc lý bì, tác dụng hoạt huyết, chủ trị đau răng, mụn lở.
Một số bài thuốc như: úc lý nhân lượng 12 g sắc uống, tác dụng lợi tràng. Rễ mận 12 g, sắc uống, tác dụng thanh nhiệt, trị đau răng, lở loét. Có thể sắc đặc ngậm rồi nuốt hoặc lấy nước thấm đắp bên ngoài vết thương. Lá mận lượng 20-30 g sắc giải cảm ở trẻ, chữa ho.
Thúy Quỳnh / VnExpress