Chuyển nghiệp cũng có nghĩa là ta chuyển đổi thói quen xấu thành thói quen tốt. Bởi thế nên nói tu là chuyển nghiệp chính là ý nầy vậy. Nếu tu mà không chuyển được nghiệp thì không ai tu hành làm gì.
Hỏi: Kính thưa thầy, tại sao đời nầy có người làm ác mà họ lại được giàu có? Theo luật nhân quả thì do đời trước họ bố thí nên nay họ mới được giàu có. Thế nhưng, tại sao họ lại không tiếp tục làm lành bố thí nữa mà họ lại làm toàn những việc xấu ác? Như vậy có trái với luật nhân quả không?
Đáp: Đọc qua câu hỏi của Phật tử, tôi thấy Phật tử vừa nêu câu hỏi mà cũng vừa tự giải thích. Thật ra, có ba vấn đề mà Phật tử muốn biết. Nhân đây, tôi cũng xin nêu ra từng vấn đề một để tạm trao đổi giải thích đôi điều cho Phật tử hiểu thêm.
1. Phật tử thắc mắc: "Tại sao đời nầy có người làm ác mà họ lại được giàu có"? Câu hỏi nầy rất là hữu lý. Điều thắc mắc nầy, không phải chỉ riêng gì Phật tử, mà tôi thiết nghĩ, cũng có nhiều người thắc mắc như thế. Sở dĩ, đời nầy họ làm ác mà họ được giàu có, là vì theo nhân quả, thì đời trước họ đã có thật hành ít nhiều hạnh bố thí. Tuy họ biết bố thí làm những việc từ thiện giúp người, nhưng họ không biết tu. Vì không biết tu nên những tập khí phiền não quá khứ của họ còn quá nhiều. Do đó, nên đời nay sanh ra họ hưởng cái quả báo bố thí của đời trước mà họ được giàu có. Đó là nói do tập nhiễm xấu ác đời trước của họ.
Còn đối với cái tập nhân xấu ác của đời nầy là do họ tiếp cận với môi trường sống của xã hội. Như thường giao du với các bạn bè xấu ác, bị ảnh hưởng tập nhiễm lâu ngày, nên họ mới trở thành người bất thiện. Như vậy, tuy hiện đời họ làm ác nhưng họ vẫn giàu có, đó là ta phải xét đến cái nhân quá khứ và cái nhân hiện tại. Giàu có là do cái nhân quá khứ họ biết làm phước giúp người. Phật tử nên nhớ, làm phước giúp người chưa phải là tu. Mà đó chỉ biết làm phước mà thôi. Tu là phải chuyển hóa ở nơi ba nghiệp: "thân, miệng, ý". Chuyển hóa nghiệp dữ thành nghiệp lành. Nếu làm phước mà trong tâm vẫn còn đầy dẫy tham, sân, si, thì vẫn còn tạo nghiệp ác.
Như có người đang phân phát bố thí tài vật cho những người nghèo khổ hay bệnh tật, nhưng có ai đó lỡ làm trái ý nghịch lòng họ, thì ôi thôi! Tam bành lục tặc của họ nổi lên như sóng cồn. Họ tía tai đỏ mặt, hung hăng bậm trợn la ó om sòm. Thậm chí có người còn nặng lời mắng nhiếc nữa. Như vậy, việc làm phước của họ, không những không được lợi ích mà nó còn gây thêm tội lỗi. Chẳng những người nhận bố thí không mang ơn họ, mà trái lại họ còn bị người ta oán ghét căm thù. Đó là nói nhân và quả hiện tại. Vì vậy, Phật tử nên nhớ, làm phước bố thí là một chuyện, nhưng phải khéo biết tu hành nữa. Nếu không biết tu hành thì cũng vẫn thọ quả báo khổ đau như thường. Tùy theo nghiệp ác nặng nhẹ mà mình đã gây tạo nên phải bị chiêu cảm lãnh lấy quả báo ác. Như có người, họ rất là giàu có, tiền kho bạc đụn, nhà cao cửa rộng, vật chất dồi dào, không thiếu thứ gì, nhưng bản thân của họ thì luôn luôn bị đau yếu bệnh hoạn rề rề trị chữa thuốc thang hoài mà vẫn không hết. Tại sao thế? Tại vì đời trước họ có làm phước bố thí giúp người, nhưng họ vẫn sát sanh hại vật quá nhiều, nên nay tuy họ giàu có, mà nghiệp sát sanh của họ vẫn phải trả. Nhân quả không thể lấy cái nầy bù qua cái kia được. Gieo cái nhân nào thì phải gặt hái cái quả báo đó.
2. Câu hỏi thứ hai, Phật tử thắc mắc: Tại sao họ lại không tiếp tục làm lành bố thí nữa mà họ lại làm toàn những việc xấu ác? Phật tử nên biết, không phải ai giàu có cũng làm lành bố thí tu nhân tích đức hết đâu. Dù đời trước họ có bố thí, nhưng không phải vì thế mà đời nầy sanh ra họ lại tiếp tục làm lành bố thí nữa. Bởi trong kinh có nói: "Bồ tát cách ấm còn mê". Đời nầy giàu có là do họ hưởng được cái phước báo của đời trước và cũng phải do cái nhân hiện tại nữa. Nhân hiện tại là họ siêng năng chịu khó làm ăn. Song có điều vì họ có phước nên làm đâu được đó. Dụ như có hai cửa hàng cùng buôn bán gần nhau, nhưng một cái, thì lại bán đắt như tôm tươi, khách hàng tới mua nườm nượp bán không kịp, còn một cái, thì lại bán ế ẩm vì vắng khách hàng tới mua. Như vậy, ta tự hỏi: tại sao hai cửa hàng cùng bán hàng hóa và giá cả giống nhau mà cái thì bán đắt, cái thì bán ế? Phải chăng cái cửa hàng bán đắt là do vì họ có phước, còn cái cửa hàng bán ế, là do vì họ kém phước. Do đó, cái phước báo hơn kém nhau là do ở chỗ gây nhân lành dữ không đồng. Đó là nói sự làm ăn tương đối có phần lương thiện. Tuy nhiên, không phải ai làm giàu cũng là lương thiện hết đâu.
Có người làm giàu trên sự đau khổ của kẻ khác. Họ bất chấp mánh mung, gian xảo, thủ đoạn miễn sao có lợi cho họ là được. Ai chết mặc ai, họ không một chút từ tâm thương tiếc. Đó là do lòng tham lam ham muốn làm giàu thúc đẩy họ. Nhưng sự giàu sang nầy thử hỏi họ hưởng được bao lâu? Có biết bao người làm giàu trên mồ hôi nước mắt, xương máu của kẻ khác, cuối cùng, họ cũng bị tiêu tan tán gia bại sản trắng tay không còn gì cả. Chính điều nầy mới là đau khổ ngút ngàn không biết phải than thở cùng ai! Đó cũng là nhân quả của thiên phải hoàn trả cho địa vậy.
3. Đến điều thắc mắc thứ ba, Phật tử kết luận: "Như vậy có trái với luật nhân quả không?" Tôi xin thưa ngay là không có gì chống trái cả. Qua những điều tôi tạm nêu ra trình bày ở trên, thiết nghĩ, Phật tử cũng thấy rõ được điều đó. Nghĩa là không có gì chống trái nhau. Hễ gây nhân nào tất nhiên là phải hưởng cái quả báo đó. Bởi luật nhân quả là một định luật tất yếu và rất công bằng. Không có một vật gì dù lớn như quả địa cầu hay nhỏ như hạt bụi li ti mà thoát ra ngoài luật nhân quả. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nên hiểu rõ thêm về chữ "luật" nói ở đây. Nói luật nhân quả, tất nhiên là khác với luật pháp ở thế gian. Bởi luật pháp ở thế gian là do con người đặt định ra. Như nói luật lệ giao thông, luật mua bán nhà đất v.v... Ngược lại luật nhân quả không ai tạo ra nó cả. Mà nó là một quy luật tự nhiên của vũ trụ. Nó tiềm tàng chi phối mọi vật thể. Cho nên, người ta gọi nó là thứ chân lý phổ biến bao trùm khắp cả sự vật.
Để Phật tử hiểu rõ hơn, tôi xin được giải thích thêm về lý nhân quả. Nhân là hạt giống, quả là trái hay kết quả. Như ta gieo hạt cam thì hạt cam là nhân của trái cam. Tuy nhiên, từ khi gieo hạt đến kết thành trái cam, nó còn đòi hỏi phải có các duyên, tức những điều kiện phụ thuộc. Cho nên, khi nói đến nhân quả là phải nói đến nhân duyên. Bởi giữa nhân quả và nhân duyên nó có sự quan hệ mật thiết với nhau. Nếu ta đem gieo hạt cam mà không có các trợ duyên phụ thuộc, thì hạt cam đó cũng không có kết quả. Ta có thể nói, hạt cam là chánh nhân là cái nguyên nhân chánh để sinh thành trái cam. Nhưng nếu chỉ có hạt cam không thôi thì làm sao thành trái cam? Do đó, nó còn đòi hỏi phải hội tụ đầy đủ các duyên, tức các điều kiện tốt để cho hạt cam phát triển tốt. Những điều kiện tốt đó như: đất, nước, ánh sáng mặt trời, không khí, phân bón, người chăm sóc v.v...
Có đầy đủ những yếu tố đó thì mới giúp cho hạt cam sinh trưởng theo chiều thuận. Nếu những trợ duyên nghịch lại, thì chánh nhân không thành. Hoặc giả khi gieo nhân, nếu không chăm sóc kỹ lưỡng thì cái hạt nhân đó cũng không thành quả. Thí như ta gieo hạt cải, nhưng ta không để ý, bị lũ kiến tha hết, vài ngày sau ta thấy toàn là cỏ không. Như vậy, ta liền thắc mắc, tại sao ta gieo hạt cải mà kết quả lại là cỏ? Đó gọi là nghịch duyên. Vì thiếu sự quan tâm chăm sóc của ta. Cũng thế, có người đang làm lành như đi chùa, tụng kinh, niệm Phật v.v... bị một nghịch duyên nào đó xảy đến, thì họ lại bỏ ngang sự tu hành, như thế cái kết quả sẽ không được như ý họ. Hoặc có người làm công quả giúp cho chùa, ta thấy họ rất là tốt, lẽ ra họ sẽ được mọi người kính mến, nhưng vì họ nghĩ họ là người có công lao giúp cho chùa nhiều hơn những người khác, thế là họ sanh cái tâm cống cao ngã mạn khinh thường người khác, họ nặng lời chê bai quở trách mạ nhục những người cùng cộng sự với họ, thay vì họ được người ta kính mến, nhưng họ lại bị người ta oán hận thù ghét. Bởi do họ không khéo giữ ở nơi ý nghiệp và khẩu nghiệp của họ. Đó gọi là nghịch duyên. Chỉ cần một điều kiện nào đó đi ngược lại, thì cái chánh nhân kia sẽ bị thay đổi ngay. Vì thế ta cần phải lưu tâm cẩn thận điều nầy.
Điều ta nên chú ý hơn nữa là nhân quả được đặt định trên chiều thời gian. Nghĩa là từ nhân tới quả cần phải có thời gian. Thời gian là phải xuyên suốt qua ba thời kỳ: quá khứ, hiện tại và vị lai. Như Phật tử nói, đời nầy có người làm ác mà họ lại được giàu có. Dựa trên lý nhân quả Phật tử lại nói thêm, sở dĩ họ được giàu có là do đời trước họ bố thí. Nhân bố thí được hưởng quả giàu có. Điều nầy không sai. Như vậy, thì có phải nhân nào quả nấy không? Nhân quả như bóng theo hình, như vang theo tiếng. Hình thẳng thì bóng ngay, mà hình cong thì bóng vạy. Bởi thế, nên người ta mới nói nhân quả là luật rất công bằng, không thiên vị một ai. Luật nầy không có thể dùng đồng tiền lo lót chạy chọt hối lộ mà có thể thay đổi được.
Tuy nhiên, nhân quả cũng không phải cứng ngắc như thế. Ta cũng có thể chuyển đổi được. Ta chuyển ở nơi nhân chớ không phải chuyển ở nơi quả. Như trước kia, ta là kẻ xấu ác hay cờ bạc rượu chè say sưa nghiện ngập, hút chích xì ke ma túy, buôn lậu nha phiến, gây đau khổ cho nhiều người. Nay ta ý thức nhận định được cái hậu quả tai hại của việc làm đó, ta liền mạnh dạn dứt khoát không tiếp tục gây nhân xấu ác đó nữa. Chẳng những ta không gây nhân xấu ác mà ta còn làm những điều lành thi ân bố thí tương tế giúp người. Như thế, ngang đó, là ta sẽ hết khổ ngay. Thế là, từ cái nhân xấu ác ta chuyển thành cái nhân tốt đẹp. Đó là quyền chuyển đổi của ta. Nói cách khác, chuyển nghiệp cũng có nghĩa là ta chuyển đổi thói quen xấu thành thói quen tốt. Bởi thế nên nói tu là chuyển nghiệp chính là ý nầy vậy. Nếu tu mà không chuyển được nghiệp thì không ai tu hành làm gì.
Thích Phước Thái