Lời khuyên tâm linh về đại dịch

Thứ sáu, 08/05/2020, 18:00 GMT+7
     GN - Đến giờ, tôi biết không ai là không bị ảnh hưởng tâm lý ít nhiều bởi sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Là một tu sĩ Phật giáo, đồng thời cũng là người trong ngành sức khỏe tâm lý cộng đồng, tôi đã tư vấn cho khá nhiều người trong những tuần qua. Họ lo lắng vì người thân trong gia đình bị nhiễm virus. Điều đó hoàn toàn có thể hiểu được; tôi cũng cảm thấy lo lắng và sợ hãi. 
 
      Sợ là một phản ứng tự nhiên đối với một sự đe dọa có thật (và rất thật) của cái chết. Nhưng những người mà tôi tiếp xúc, ngoài nỗi sợ, họ còn cảm thấy bất lực, hoang mang, và tìm kiếm một cách tuyệt vọng một chỗ dựa trước việc phải đối mặt với thảm họa kinh hoàng có thể xảy ra. Tôi tin rằng các cảm giác đi kèm với sự bất lực, hoang mang có thể còn đau đớn hơn cả nỗi sợ hãi.
 
      Trong những lúc như thế này, tôi cảm thấy rất hàm ân vì đã tu tập theo Phật giáo bao nhiêu năm nay. Bản thân tôi sau cảm giác lo lắng ban đầu về virus (và cũng đã góp phần vào việc mua sắm căng thẳng - vâng, tôi cũng đã mua thực phẩm khô và đồ hộp), tôi bắt đầu trở lại thực tiễn hơn, hy vọng hơn - hay ít nhất, xả bỏ hơn - về tình hình trên thế giới. Vì thế, tôi muốn chia sẻ với các bạn một số điều đã giúp tôi buông xả. 
 
Thailan 2.jpg
Trong đại dịch, tôi cảm thấy rất hàm ân vì đã tu tập theo Phật giáo bao nhiêu năm nay - Minh họa: Chùa Hoằng Pháp
 
      Già, bệnh và chết là không tránh khỏi
 
      Trí tuệ Phật giáo đã chỉ ra rằng khổ là một phần của cuộc sống… Chúng ta thường ẩn náu trong các lâu đài tâm lý, nơi ta nghĩ mình có thể trốn tránh được những thứ như bệnh tật, tai nạn. Tuy nhiên, cái khổ đó không thể tránh khỏi. Tất cả chúng ta sẽ, mọi người sẽ, phải đối mặt với tuổi già, bệnh tật và cái chết. Tuy nhiên, chúng ta có thể chọn cách phản ứng lại với cái khổ này.
 
      Một trong những thứ phiền não nhất mà sự bùng phát của Covid-19 mang đến cho tôi là cảm giác  rằng “sự việc lý ra không như thế”. Tuy nhiên, trong thực tế thì sự việc đã và luôn như thế. Dầu có thể có nhiều thứ khác như hệ thống bảo hiểm sức khỏe tồi tệ, lòng tham của các tập đoàn, sự thiếu nhạy bén của chính quyền, vân vân, đi kèm với Covid-19, nhưng khổ đau do bệnh tật và cái chết tạo ra thì không có gì mới cả.
 
      Theo giáo thuyết của đạo Phật, có một phụ nữ tìm đến Đức Phật sau khi con bà bị bệnh chết. Điên loạn với khổ đau, bà van xin Đức Phật cho thuốc cứu con bà sống trở lại. Đức Phật trả lời rằng Ngài sẽ cho bà thuốc nếu bà có thể mang đến cho Ngài ít hạt cải trắng từ nhà của gia đình chưa từng có ai qua đời. Người mẹ khổ đau đó gõ cửa từng nhà, với hy vọng tìm ra được gia đình chưa từng có sự mất mát người thân yêu. Dĩ nhiên, bà đã không bao giờ tìm ra được một gia đình như thế. Bà chợt hiểu rằng cái chết không từ bỏ một ai. Và khi hiểu rằng sự đau xót và cái chết có tính phổ quát, niềm đau của bà vơi đi.
 
      Câu chuyện này cho ta thấy cảm giác rằng “sự việc lý ra không như thế” là một cái khổ chồng thêm, không cần thiết trên cái khổ không thể tránh khỏi. Chúng ta không thể tránh già, bệnh và chết, nhưng ta có thể gỡ bỏ cái giả định không cần thiết rằng sự việc lý ra phải khác đi, và cái khổ tâm lý mà sự giả định này mang đến cho ta.
 
      Nhận ra sự hỗ tương lẫn nhau
 
      Một chi tiết quan trọng khác của trí tuệ, dầu không chỉ có mặt trong truyền thống Phật giáo, là sự nhận ra mối tương quan lẫn nhau của mọi người. Không có gì cho ta thấy sự tương quan rõ ràng hơn là đại dịch toàn cầu. Người ta dựa vào nhau để sinh tồn, và chúng ta cũng ảnh hưởng tới người khác bằng cách này hay cách khác.
 
      Thí dụ, giờ lời khuyên rửa tay để tránh lây nhiễm Covid-19 có mặt ở khắp nơi. Trước tiên, rửa tay là hành động tự bảo vệ mình. Việc thường xuyên rửa tay bảo vệ mỗi cá nhân không nhiễm virus. Nhưng đó cũng là hành động để bảo vệ cộng đồng; ta chung tay bảo vệ người khác, đồng thời cũng là bảo vệ bản thân. Tương tự với lời khuyên ở nhà khi bệnh. Dầu thật ra không phải ai cũng có thể dễ dàng nghỉ việc, nhưng rõ ràng là ta phải bảo vệ cộng đồng bằng cách tránh lây nhiễm bệnh. Trong các cách thực hành để bảo vệ sức khỏe đơn giản này, sự hiểu biết về “cái tôi” và “người” bắt đầu vỡ ra.
 
      Khi nào thì “tôi” chấm dứt và “bạn” bắt đầu? Chúng ta thở cùng một bầu khí quyển. Sự sinh tồn và hạnh phúc của tôi dựa vào hạnh phúc và sự sinh tồn của bạn. Như Đức Đạt-lai Lạt-ma dạy: “Sự hỗ tương là một định luật căn bản tự nhiên. Ngay cả các côn trùng nhỏ bé cũng sinh tồn bằng sự hợp tác lẫn nhau, dựa trên bản chất hỗ tương của chúng. Đó là vì chính sự hiện hữu của nhân loại cũng phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác đến nỗi nhu cầu thương yêu nằm ngay ở sự hiện hữu của ta. Do đó ta cần biết trách nhiệm thực sự và quan tâm chân thành đối với sự an toàn của người khác”.
 
      Biến nỗi sợ hãi thành hành động 
 
      Không muốn bi kịch hóa vấn đề, nhưng tôi nghĩ là ta nên hình dung đến một thực tại trong tương lai, khi chính quyền không phản ứng đủ kịp đối với sự bùng phát của Covid-19, và hệ thống chăm sóc sức khỏe trở nên quá tải với con bệnh. Đó là lúc mà sự phản hồi của cộng đồng trở nên thiết yếu. Thực ra, CDC (Centers for Disease Control - Trung tâm Kiểm dịch) đã khuyên ta nên trao đổi với người chung quanh về việc thiết lập kế hoạch khi cộng đồng mất ổn định. Nhưng tôi nghĩ là ta không nên quá tuyệt vọng. Con người luôn biết cách giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong hoàn cảnh hoạn nạn…
 
      Những tháng ngày tới chắc chắn sẽ mang đến nhiều nỗi đau và sợ hãi. Lời chúc của tôi đến các bạn, những độc giả thân mến, là hãy nhận ra rằng “sự việc phải thế thôi”. Đây là hành trang trên sự hiện hữu của con người. Nó đẹp, nó đau và nó là cuộc sống. Thêm nữa, hãy mở lòng ra với cộng đồng, với chung quanh ta. Đây là lúc ta nên thân thiết với hàng xóm, với các nước láng giềng hơn, trân quý, chia sẻ các nguồn tài nguyên, và kết nối với nhau.
 
      Nếu ta có thể chuyển đổi nỗi đau, sự sợ hãi của từng cá nhân thành sự quan tâm cho người khác, ta sẽ bớt khổ đau. Đó là vì bạn và tôi không hề tách biệt. Chúng ta thở cùng bầu không khí, chạm đến cùng các cung đường. Khi Covid-19 lan thành dịch, sợ hãi, đau đớn có thể là không thể tránh, nhưng sự kết nối và quan tâm cũng thế. Chúng ta là tất cả những thứ ấy.
 
Gesshin Claire Greenwood
Diệu Liên Lý Thu Linh 
(Phỏng dịch từ bài Spiritual Advice For Fears Of Pandemic, tạp chí Tricycle tháng 3-2020)

 

Claire Greenwood là tu sĩ theo truyền thống Thiền Tào Động. Bà đã hoàn tất chương trình thạc sĩ về Tư vấn tâm lý và là tác giả sách Bow First, Ask Questions Later: Ordination, Love, and Monastic Zen in Japan  (Lạy trước, Hỏi sau: Xuất gia, Từ bi và Thiền viện ở Nhật.
Ý kiến của bạn