Lời cảnh tỉnh

Thứ hai, 13/11/2023, 05:49 GMT+7

     Trong quy củ của Thiền gia, thực ra khi nói đến lễ Vu Lan, ai cũng biết. Từ các bậc Tôn đức cho đến chư tăng ni, dưới đến thứ dân những người buôn gánh bán bưng, họ cũng biết. Nhưng biết như thế nào, làm như thế nào, để đem lại kết quả đúng với tinh thần Phật dạy, thì chúng ta cần triển khai sâu và lật lại các tư liệu xưa. Trong bộ "Bách trượng thanh quy", quyển Đông (thứ tư) có hẳn một chương 8 nói về lễ Vu Lan này.

    Người ta thường nói: "Mấy thầy đi tu, bỏ cha bỏ mẹ, đối với đạo lý của con người theo tinh thần Nho học như thế là không hầu hạ, không săn sóc, huỷ hoại thân hình mình, thật là bất hiếu. Thầy Tăng Tử từng nói: Chiến chiến căng căng như lý bạc băng như lâm thâm uyên. Thân thể phát phu, thụ chi phụ mẫu, bất cảm huỷ thương, hiếu chi thuỷ dã. Lập thân hành đạo, dương danh vu hậu thế, dĩ hiển phụ mẫu, hiếu chi chung dã.

    "Ta lúc nào cũng nơm nớp sợ hãi, như đi bên vực thẩm, như bước trên giá mỏng, lông tóc trên cơ thể này là do cha mẹ sanh ra, ta luôn gìn giữ, không dám hủy hoại nó. Làm được vậy, mà cũng chỉ mới bước đầu vào chữ hiếu. Phải làm sao cho đạo đức sung mãn, để lại tiếng thơm ở đời, ảnh hưởng đến tông tộc, thì mới mong trọn vẹn được chữ hiếu vậy".

    Ngày xưa, thời Tống Nho, người ta thường chỉ lấy câu đầu, rồi vịn vào việc người tu Phật chúng ta cạo tóc để chỉ trích là bất hiếu. Họ cho rằng xuất gia không phụng dưỡng cha mẹ là việc làm không hay, bất hiếu. Từ suy nghĩ này, chúng ta hãy cùng nhìn lại việc làm của chúng ta. Dù nói là "Lập thân hành đạo dương danh vu hậu thế", nhưng chúng ta đã trải thân hành đạo chưa? Đã tu học để có nhiều đạo lực, có nhiều năng lượng để làm cha mẹ được bình yên, an vui hay chưa? Đó là một dấu chấm hỏi thật lớn cho chúng ta.

    Hằng năm cứ đến tháng 7 âm lịch, các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan, đều làm pháp hội Vu Lan, nhưng tận sâu trong đáy lòng, hình như chúng ta chỉ chú trọng kêu gọi các Phật tử cúng dường làm lễ Vu Lan, nhưng đối với chúng ta lại ít có dịp để ngồi lại với nhau, cùng tưởng niệm đến cha mẹ của mình.

    Trong "Bách trượng thanh quy" có đoạn: " Kim hữu bệnh thích thị vô thân giả, tam chủng bất tài nhơn chi tội giả: an hưởng thập phương chi cúng như bất niệm kì thân giả, nhất giả; cao toạ nhàn hạ nhi tuy kì thân lao lực như công bộc giả, nhị giả; cát ái xuất gia nhi biệt lễ tha nhơn vi phụ mẫu giả, tam giả. Sanh kí như thử, tử bất tiến triệu, vô dung ngôn hỉ. Vong bản chí thử, thượng hà vọng chi chấn hưng Phật pháp hồ!".

    Có ba trường hợp mà mặc dù xuất gia, mặc dù là hình tướng Tăng, nhưng vẫn chiêu tội, tạo nghiệp như thường:

        + Tội thứ nhất, là Tăng Ni an hưởng của thập phương, tín thí cúng dường, mà không hề đoái hoài, nghĩ đến ân đức sanh thành, dưỡng dục của cha mẹ đã tác thành cho chúng ta.

        + Tội thứ hai, là Tăng Ni ở chỗ cao sang, nhàn hạ, hưởng thụ, để cha mẹ cực nhọc lao lực như tôi đòi.

        + Tội thứ ba, là Tăng Ni bỏ cha, bỏ mẹ đi tu, không gần gũi, không phụng dưỡng, trở lại nhận kẻ lạ người dưng làm cha mẹ nuôi, anh chị nuôi.

    Ba loại Tăng Ni như vậy, là kẻ tội đồ trong Phật pháp. Khi sống, không phụng dưỡng, kính thờ. Khi chết, không truy niệm, báo tiến. Những kẻ như thế là loại vong bản, thì làm gì có thể chấn hưng Phật pháp được!

    Lời nói của các Tổ đưa ra là tình trạng của Tăng Ni ngày xưa, nhưng chúng ta cũng thấy rằng không phải chỉ ngày xưa, mà ngày nay cũng có. Đạo Phật là đạo từ bi, là con đường của tình thương. Nhưng thương ai trước đây, nếu không phải là cha mẹ mình. Vì thế nên cũng gọi đạo Phật là đạo Hiếu, vì Hiếu cũng là tình thương, là đạo lý của con người. Đối với cha mẹ, mình phải biết thương tưởng, hiếu kính. Dù chúng ta đi xuất gia, không có gần gũi, phụng dưỡng, thế thì chúng ta phải tu học như thế nào để có khả năng báo ân cha mẹ. Làm sao, để khi nhắc đến tên mình, người ta nhắc đến bằng sự kính mến, đó là chúng ta báo ân cha mẹ. Làm sao, để cha mẹ vui lòng, bình yên khi biết rằng mình có một người con đang trải thân hành đạo, đó là chúng ta báo ân cha mẹ. Nhờ có tu, đạo lực trong mình tỏa ra, dù chúng ta không nói, nhưng cũng có thể cảm hoá được cha mẹ mình thọ giới, tu tập. Hơn thế nữa, khi cha mẹ lâm chung, chúng ta cũng có công đức để siêu tiến, để hoài niệm truy tư.

    Trong Thanh Văn Sử, có ghi: "Ngài Tất Lăng Già Bà có bà mẹ nghèo, đói thiếu, không ai chăm sóc. Mặc dù Ngài đi tu rồi, nhưng Ngài vẫn không yên, thường nghĩ đến mẹ mình. Ngài bèn bạch lên Phật. Phật mới cho phép Ngài được đi khất thực nuôi mẹ." Mình thọ dụng của đàn tín, khi mình chạm vật đó vào tay, thì mình là người mắc nợ tín thí. Vì mình còn cha mẹ, mà cha mẹ đói thiếu, mình đem vật đó cúng dường lại cha mẹ mình, Phật cũng cho phép. Nhưng nó không đồng nghĩa với việc chúng ta vận động, kêu gọi, lạc quyên vật chất cho cha mẹ mình hưởng thụ. Mình thọ hưởng, mình không dùng, mình cúng dường lại cha mẹ mình, người mắc nợ tín thí là mình, mình phải khuyến khích cha mẹ mình tu tập. Tu tập, không phải là bắt cha mẹ mình cạo đầu, vào chùa ở tu, rồi dần dần hợp thức hoá thành "sư ông", "sư bà". Tín chúng từ đó hiểu sai, lại phụng dưỡng, hầu hạ, tôn kính cha mẹ mình như các bậc trưởng thượng. Chúng ta làm vậy, chẳng những không làm phúc cho cha mẹ mình, mà trái lại còn gây nghiệp cho cha mẹ mình. Nói như vậy có thể vô tình xúc phạm, động chạm đến những trường hợp trên. Nhưng đó là tinh thần của chư Tổ muốn thỉnh lên một hồi chuông cảnh dương, để chúng ta báo hiếu cha mẹ, làm sao để cha mẹ được an vui, giải thoát.

ST

Ý kiến của bạn