Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Chúc Thánh
Soạn giả: Thích Như Tịnh
LỜI GIỚI THIỆU
Có thể nói Phật giáo Việt Nam trong tình hình phát triển hiện nay tuyệt đại bộ phận do sự tác động mạnh mẽ của bảy dòng thiền chính, trong đó bốn dòng trực tiếp kế thừa các dòng thiền từ Trung Quốc và bốn dòng được phát sinh tại đất nước ta. Bốn dòng từ Trung Quốc, nếu dựa vào thứ tự truyền nhập vào Việt Nam là các dòng Bút Tháp của Viên Văn Chuyết Công (1590 – 1644), dòng Thập Tháp của Siêu Bạch Thọ Tông (1648–1728), dòng Quốc Ân của Nguyên Thiều Hoán Bích (1648–1728), cả ba dòng này đều thuộc phái Lâm Tế và dòng Hòe Nhai của Thủy Nguyệt thuộc pháiTào Động. Ba dòng còn lại thì đều xuất phát tại Việt Nam hoặc do kết hợp một dòng từ Trung Quốc như Bút Tháp với một dòng tồn tại lâu đời tại Việt Nam như Trúc Lâm, mà điển hình là dòng Long Động của thiền sư Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647–1726) hoặc do các vị thiền sư người Việt Nam hay Trung Quốc hành đạo tại Việt Nam xuất kệ thành lậpdòng mới, cụ thể là các dòng thiền Chúc Thánh của thiền sư Minh Hải Pháp Bảo (1670–1746) và Thiên Thai của thiền sư Thiệt Diệu Liễu Quán (1667 – 1742).
Ba dòng này kể từ đầu thế kỷ thứ XVIII trở đi cho đến hôm nay đã có những đóng góp to lớn về nhiều mặt cho lịch sửDân tộc cũng như Phật giáo Việt Nam với những người con ưu tú của mình. Về mặt chính trị, họ đã tham gia công cuộc hộ quốc an dân như thiền sư Như Ý Trần Cao Vân, Võ Trứ, v.v... Về mặt khoa học kỹ thuật có những tiếng tămlớn như Chân An Tuệ Tĩnh (?–1711), đặc biệt về mặt văn hóa và văn học thì hàng loạt tên tuổi lẫy lừng đã xuất hiệntrên bầu trời Việt Nam trong giai đoạn này như Chân Nguyên Tuệ Đăng (1647–1726), Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm (1726–1798), Toàn Nhật Vi Bảo Quang Đài (1757–1834), Trừng Thông Viên Thành (1879–1928) v.v...
Do thế, để việc nghiên cứu lịch sử cận đại của Dân tộc và Phật giáo một cách đầy đủ, chúng ta phải từng bước xây dựng lại một cách chi tiết thế hệ truyền thừa của các dòng thiền vừa nói. Đây là một công việc hết sức khó khăn, do tư liệu hết sức tản mạn chưa được hệ thống hóa, nằm rải rác trên một địa bàn rộng lớn hầu như khắp cả nước và về mặtthời gian lại trải dài trên 3 thế kỷ. Những tư liệu này không chỉ nằm ở tại các chùa, mà còn nằm các dòng họ khác nhau của những nhân vật liên hệ. Công bằng mà nói, công tác này không phải thời đại chúng ta mới thấy tính bức xúc của nó, mà ngay cả những năm cuối thế kỷ XIX, khi cả nước đứng lên chống lại quân xâm lược phương Tây, những người Phật tử Việt Nam thời đó như cụ Phó bảng Cư sĩ Điềm Tịnh Trần Viết Thọ và Như Như đạo nhân Hồng Vịnh đãchung sức viết ra bộ Hàm Long Sơn Chí, thiền sư Ấn Lan Tổ Huệ Từ Trí viết cuốn Ngũ Hành Sơn Lục v.v... đã ghi lại một số những thông tin liên hệ về phát triển của những dòng thiền này. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn chưa làm xong công tác hiệu đính, chỉnh lý và phiên dịch cho việc xuất bản. Tình trạng này làm cho việc nghiên cứu xây dựnglại sự truyền thừa của các dòng thiền càng thêm khó khăn.
Trong các dòng thiền trên, Đại đức Thích Như Tịnh ngay từ những ngày còn học tại Học viện Phật giáo Việt Nam đãquan tâm đến dòng thiền của chính pháp phái mình, đó là dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh. Đại đức đã từng bước sưu tầm và chỉnh lý các tư liệu đến sự phát triển từ ngài Sơ tổ Minh Hải Pháp Bảo cho đến tận ngày nay. Sau khi hoàn thành bản thảo cuốn Lịch sử truyền thừa thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh, Đại đức đã nhờ tôi xem lại và viết mấy lờigiới thiệu. Tôi nhận thấy đây là một công trình quý giá, sẽ mở đầu cho các công trình về sau đối với các dòng thiền khác, đồng thời thể hiện tâm nguyện không chỉ tri ân của Đại đức đối với các tổ sư đời trước, mà còn nỗi niềm lo lắngcho tương lai của Đạo pháp những thế hệ tiếp theo. Do thế, tôi hoàn toàn hoan nghinh và viết mấy lời này để giới thiệucùng bạn đọc gần xa.
Vạn Hạnh,
Cuối đông năm Mậu Tý (2008)
Lê Mạnh Thát
LỜI NÓI ĐẦU
Ngay từ những năm đầu Công nguyên, Phật giáo đã du nhập vào nước ta nhưng chủ yếu ở miền Bắc. Trong thời kỳ đó, các phái thiền Tỳ–ni–đa–lưu–chi, Vô Ngôn Thông, Thảo Đường, Trúc Lâm đóng vai trò chính của Phật giáo nơi đây, đồng thời đặt nền tảng văn hoá nghệ thuật Phật giáo cho nước nhà. Đến thế kỷ XVI, XVII, bước chân Nam tiến của dân Việt đã ngang qua vùng Thuận Hoá, vào tận những miền đất cực nam xa xôi như Hà Tiên, Rạch Giá. Song hành cùng dân tộc, Phật giáo đã hình thành và phát triển không ngừng tại những miền đất mới này. Ngoài các thiền sư Việt Nam, nơi đây còn được các thiền sư Trung Hoa chủ yếu thuộc tông Lâm Tế từ Phước Kiến, Quảng Đông sang hoằng hóa.
Thiền sư đầu tiên của tông Lâm Tế đến Đàng Trong là ngài Nguyên Thiều–Hoán Bích. Tiếp đó, các ngài như Minh Vật–Nhất Tri; Minh Lượng–Thành Đẳng; Minh Hải–Pháp Bảo; Minh Dung–Pháp Thông; Minh Giác–Kỳ Phương, Minh Hoằng–Tử Dung v.v... kế thừa sự nghiệp của tổ Nguyên Thiều, phát triển tông môn rộng khắp. Trong số những thiền sư Trung Hoa du phương hoằng hoá có thiền sư Minh Hải–Pháp Bảo dừng chân tại phố Hội An, Quảng Nam, khai sơnTổ đình Chúc Thánh, xuất kệ truyền thừa lập nên thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.
Kể từ khi tổ Minh Hải–Pháp Bảo khai tông lập giáo, tính đến nay dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đã trải qua 300 nămlịch sử với 12 đời truyền thừa. Qua ngần ấy thời gian có mặt trong ngôi nhà Phật giáo Việt Nam, các thế hệ Tăng nhân của dòng thiền Chúc Thánh đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Đạo pháp và Dân tộc. Dòng thiền Lâm TếChúc Thánh là một trong những thiền phái lớn của Phật giáo Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại.
Thế nhưng, từ trước đến nay đa phần các nhà viết sử Phật giáo hầu như không đề cập đến dòng thiền này. Nếu có chăng cũng chỉ trích dẫn bài kệ của tổ Minh Hải–Pháp Bảo cho có lệ. Việc khái quát lại hệ thống truyền thừa, sự phát triển cũng như những đóng góp tích cực của dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh đối với lịch sử Phật giáo và Dân tộc chưa được tiến hành và đánh giá đúng mức. Phải chăng do chư tôn đức chỉ chú trọng vào việc tu chứng và không muốn lưu lại dấu tích? Hay do nguồn tư liệu khan hiếm bởi phần lớn bị hủy hoại trong các cuộc chiến tranh và thiên tai gây nên? Có rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên mãi đến bây giờ vẫn chưa có ai hệ thống lại lịch sử truyền thừa của các thế hệ Lâm Tế Chúc Thánh.
Dưới sự đắp đổi của thời gian, trong cái quy luật khắc nghiệt của tạo hoá, mọi vật rồi sẽ bị vùi chôn theo năm tháng nếu chúng ta không biết trân trọng, giữ gìn và tiếp nối. Nếu hôm nay chúng ta không kịp ghi chép lại sự hành đạo của chư Tổ thì tất cả sẽ chìm vào quên lãng, mà mai này các thế hệ sau sẽ không tỏ tường được nguồn cội của tông mônlà điều không tránh khỏi. Từ những trăn trở đó, trong những năm qua chúng tôi cố gắng sưu tầm hành trạng của chư Tổ, chư Tăng dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại các tỉnh thành, đồng thời hệ thống lại và biên soạn thành một tập sử liệu, tạm lấy tên Lịch Sử Truyền Thừa Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh không ngoài mục đích vừa nêu.
Ba thế kỷ trôi qua không phải là khoảng thời gian ngắn, hơn nữa nguồn sử liệu của thiền phái cũng không mấy dồi dào, nên trong quá trình biên soạn, dù đã cố gắng hết nhưng chúng tôi tất không tránh khỏi những nhầm lẫn và sơ sót, ngưỡng mong chư tôn thiền đức, chư vị thiện hữu tri thức hoan hỷ kiểu chính để tập sử liệu này được chính xácvà đầy đủ, đồng thời làm cơ sở cho lần tái bản sau được hoàn thiện hơn.
Chúng tôi xin trân trọng tri ân đạo tình của chư tôn thiền đức ở các tỉnh thành đã cung cấp tư liệu và động viên khuyến khích để tác phẩm này được hoàn thành. Chân thành cám ơn Giáo sư Lê Mạnh Thát đã hoan hỷ viết cho lời giới thiệu. Cám ơn Đại đức Thích Đồng Ngộ đã trợ duyên giảo chính và góp ý để tác phẩm được hoàn thiện như mong muốn.
Chùa Viên Giác
Mùa Đông năm Mậu Tý (2008)
Nhĩ tôn Thích Như Tịnh