Như đã đề cập ở kỳ trước, thực trạng hình ảnh và các tôn tượng Phật giáo nói chung được “trưng bày và ứng dụng” một cách tùy tiện, ở những nơi công cộng, đã và đang gây nên nhiều tranh cãi từ phía dư luận.
Phần đầu tượng Đức Phật được sử dụng làm đèn trang trí trong phòng ngủ, quán cafe, bar...
Câu hỏi được đặt ra ở đây rằng, liệu những cá nhân, cơ sở, doanh nghiệp… sử dụng hình ảnh và tôn tượng Phật giáo dưới hình thức kinh doanh, hay trang trí mỹ thuật… đã thật sự hiểu rõ giá trị tôn giáo cũng như tinh thần của tranh ảnh, tôn tượng khi đưa vào ứng dụng như vậy?
Nhìn nhận chưa đúng về tượng tôn giáo
Có thể thấy, việc sử dụng các sản phẩm tranh, tượng Phật giáo đặt để tại tư gia, hay một số nơi công cộng mang tính đặc thù tôn giáo, là nhu cầu tất yếu, song đòi hỏi sự chú trọng trong khâu đặt để, với những quy ước nhất định và không thể bài trí một cách tùy tiện. Thêm vào đó là nhu cầu thưởng lãm các tranh ảnh, chiêm bái tôn tượng chư Phật một cách dễ dàng, gần gũi hơn của đại đa số tín đồ và người dân, khiến cho việc trang trí nội - ngoại thất có sử dụng tranh tượng Phật giáo ngày càng bị lạm dụng nhằm mục đích kinh doanh, với việc đưa tranh tượng Phật giáo vào khái niệm “vật phẩm trang trí mỹ thuật”.
Xét ở khía cạnh tôn giáo, bất kể tranh ảnh hay tôn tượng chư Phật, chư vị Bồ-tát, La-hán… đều không phải là đối tượng để làm vật trang trí dưới bất kỳ hình thức nào. Như TT.Thích Minh Hiền, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.Hà Nội nhận định: “Hiện nay tồn tại hai luồng tư tưởng về văn hóa tôn giáo. Một, cho rằng tôn giáo là tâm linh, thiêng liêng, không thể đưa vào trang trí một cách tùy tiện, với bất kỳ hình thức nào. Tư tưởng còn lại cho rằng, tranh, tượng Phật cũng là một tác phẩm nghệ thuật, và nếu không đưa lên thờ tự, thì đó là tượng trang trí nghệ thuật, không phải tượng tôn giáo”.
Tuy nhiên, Thượng tọa cũng khẳng định, việc ứng dụng các phạm trù tôn giáo vào thực tiễn đời sống, cần hết sức cẩn trọng, và để trang trí tranh tượng tôn giáo ở bất cứ nơi nào, dưới mọi hình thức, rồi cho đó là nghệ thuật, là điều không thể. Vô tình tạo nên sự bất kính đối với tôn giáo và thiếu sự tôn trọng đối với cộng đồng đang tôn thờ tôn giáo ấy.
Đồng quan điểm, TT.Thích Trí Chơn, Trưởng ban Văn hóa GHPGVN TP.HCM, cũng nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong quá trình nhập thế, tức đưa Phật giáo đến gần hơn với đời sống xã hội. Nhưng, hội nhập không có nghĩa là hòa tan, tôn giáo có sự linh thiêng và kính ngưỡng riêng, không thể vì hội nhập mà tùy tiện muốn sử dụng tranh, tượng Phật như thế nào cũng được. Ví như bạn có cha mẹ rất nhân từ, phúc hậu, hàng xóm thấy vậy, mang lòng yêu quý, đem hình ảnh của cha mẹ bạn dán đầy hai bên cổng nhà, hay dán lên mặt các búp bê, rồi quăng lăn lóc, liệu bạn có thấy thoải mái chăng?”.
Cũng như vậy, việc một nhà hàng chay sử dụng đầu tượng Phật trang trí hai bên cổng ra vào, hoặc các cửa hàng kinh doanh tượng Phật không ngừng khuyến khích khách hàng sử dụng tranh tượng Đức Phật để trấn phong thủy bất chấp nơi đặt để là đâu, hay những cơ sở chuyên tạc tượng Phật giáo bỏ qua ý nghĩa thiêng liêng của tượng Phật, để mặc kệ tượng nằm lăn lóc dưới những sào phơi áo quần và trên sàn nhà… Tất cả đều thể hiện sự “lạm dụng” quá đà và một phần thiếu nhận thức về hình ảnh tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng của người sử dụng.
Đây là một thực tế thấy rõ, khi tiếp xúc với một trong những cơ sở chuyên điêu khắc, tạc tượng Phật giáo ở quận 2 (TP.HCM), trên tuyến đường hướng đi xa lộ Hà Nội. Được hỏi về nguyên nhân đặt các tôn tượng Phật giáo lộ thiên trên vỉa hè, gần các cống rãnh, bãi rác như vậy, người quản lý tại đây cho biết do tượng được làm bằng đá, hình dáng to cao, chiếm nhiều diện tích, nên khó đưa vào bên trong, phải trưng bày bên ngoài. Một phần thể hiện quy mô của cơ sở, một phần để quảng bá sản phẩm cho khách hàng dễ lựa chọn khi chạy xe qua lại.
Có thể thấy, những cơ sở bày bán các tôn tượng Phật giáo lộ thiên trên vỉa hè, hầu hết đều là những hộ dân sinh sống và mở cơ sở bán tại nhà, do vậy, vỉa hè mặc nhiên trở thành một “showroom” trưng bày sản phẩm là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói hơn, tại các cơ sở này, những bức tượng chư Phật, Bồ-tát, các vị La-hán… còn bị đặt để ở những nơi rất thiếu trang nghiêm, như gần nhà vệ sinh, dưới các giá phơi đồ, trên nắp cống, nếu không muốn nói là bị vứt lăn lóc như một phế phẩm, khi có tượng bị sứt mẻ…
Song, khi được đề cập đến vấn đề này, hầu hết các chủ cơ sở điêu khắc tượng đá đều cho rằng, “tượng dù là tượng tôn giáo thì cũng chỉ là một vật thể vô tri”. Lý giải thêm, một chủ cơ sở tại quận 9 (TP.HCM) nhấn mạnh: “Tượng này công đoạn chế tác tại nhà xưởng còn lung tung, bừa bộn hơn nhiều. Đây cũng chỉ là một sản phẩm thôi. Khách hàng khi mua về, muốn tăng phần tâm linh, phần hồn cho tượng thì làm lễ tẩy uế, lúc đó mới thành tượng Phật như tên gọi được chứ”.
Đối với các tượng tôn giáo bị hư hỏng, sứt mẻ, hay được khắc đẽo chưa hoàn chỉnh, nhưng cũng đã hình dung được đó là tượng Đức Phật, hay vị pháp chủ tôn giáo nào đó, theo lẽ thì cần phải tôn kính, còn nếu là những tượng bị lỗi về kỹ thuật thì cũng không nên vứt bỏ bừa bãi như thế mà phải đem tịnh hóa, đốt đi, thì ở những cơ sở này lại cho rằng: “Về cơ bản nó không còn nhiều giá trị và dù sớm dù muộn cũng sẽ được đem đi ‘thanh lý’, nên đâu còn giá trị gì về mặt tôn giáo, trong ngành người ta hay gọi là tượng không còn linh nữa, tượng còn là đá bình thường thôi, nên không quan trọng việc để ở đâu”.
Khuyến cáo công cộng tại Thái Lan về việc cấm sử dụng đầu tượng Phật trong trang trí nội thất - Ảnh: G.H
Tượng tôn giáo cũng phải có quy chuẩn
Đối với các ảnh tượng tôn giáo, đặc biệt là hình tượng chư Phật, Bồ-tát…, phương thức tạo hình (khắc, đắp, vẽ) đều có quy chuẩn chung khi thực hiện tác phẩm, chẳng hạn “Tọa tứ lập thất”, tỷ lệ tượng ngồi bằng bốn đầu tượng và tỷ lệ chiều cao của một tượng đứng bằng bảy đầu. “Nhất diện phân lưỡng kiên”, chiều ngang của khuôn mặt thì bằng nửa chiều ngang hai vai. “Nhất diện phân tam trùng”, ba khoảng cách bằng nhau trên mặt, tính từ chân tóc đến chân lông mày, bằng từ chân lông mày đến đỉnh mũi, bằng từ đỉnh mũi đến cằm. Ngoài ra còn có các quy định chi tiết về tóc tai, tay chân, y áo, v.v...
Song, đối với các tượng, phù điêu, tranh ảnh đề tài Phật giáo, được nhiều người hiện nay đưa vào ứng dụng trong trang trí nội ngoại thất và các không gian công cộng như sân vườn, quán ăn… lại có nhiều sự “cách tân” khó chấp nhận. Theo ĐĐ.Thích Nhuận Thường, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Sử dụng tranh tượng Phật giáo trong mỹ thuật trang trí còn khá mới mẻ đối với người Việt, nhiều người thích làm theo nhưng ít người chịu khó tìm hiểu sâu về nghệ thuật Phật giáo. Theo đó, các nghệ nhân, họa sĩ thường có xu hướng thích sáng tác theo phong cách, ý tưởng, trường phái của riêng mình nên hình thể trong tranh, tượng thường “bị” giản lược đường nét hình thể - cách điệu một cách... khá lạ, nếu người xem còn hạn chế về kiến thức mỹ thuật thì đôi khi dễ cảm thấy khó hiểu và khó chịu”.
Như vậy, để hạn chế những lệch lạc trong cách trang trí tranh tượng, tránh gây hiểu lầm hay lạm dụng thái quá, theo ĐĐ.Nhuận Thường, cần tuân thủ vài điểm chính sau: Nếu trang trí trong nhà, nên đặt tranh tượng ở vị trí trang trọng thoáng, sáng, sạch gọn như ở phòng khách hay phòng làm việc, đọc sách. Nếu trang trí ở sân vườn khi đặt tượng Phật (tượng Bồ-tát, La-hán) thì cũng không quên đặt ở địa thế trang trọng, yên tĩnh để chủ nhà và khách quan đều có thể dễ dàng chiêm nghiệm dù ngồi ở khoảng cách hơi xa vị trí tượng. Tránh đặt tượng ngay sát lối đi, ngoại trừ pho tượng đó có chiều cao bằng hoặc cao hơn so với chiều cao trung bình của người lớn.
Tóm lại, tượng thờ hay tượng trang trí đều có giá trị tịnh hóa thân tâm ở một cấp độ nhất định. Tuy vậy, đòi hỏi chúng ta cần phải tìm hiểu am tường về mỹ thuật Phật giáo cũng như mỹ thuật hiện đại ở trong và ngoài nước, nhằm hạn chế những tác phẩm kém ý nghĩa, cũng như tránh cách thiết trí thiếu cẩn trọng làm giảm đi tính chân - thiện - mỹ vốn có của tranh tượng Phật giáo.
Ý kiến của chư vị giáo phẩm lãnh đạo Giáo hội về tình trạng này như thế nào? Mời quý bạn đọc xem tiếp kỳ sau.
Giao Hảo