HT.Thích Hải Ấn
HT.Thích Hải Ấn, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Viện trưởng Học viện Phật giáo VN tại Huế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Văn hóa T.Ư GHPGVN nêu ý kiến:
- Truyện cổ tích với chủ thể sáng tác từ dân gian, vì vậy một truyện có nhiều dị bản là hiện tượng không hiếm, truyện “Nghêu Sò Ốc Hến” cũng không ngoại lệ. Việc xuất hiện dị bản khác biệt về danh xưng nhân vật “thầy bói Nghêu” và “sãi Nghêu” cũng là khá bình thường nếu đánh giá phương diện lịch sử văn bản thuần túy. Chúng tôi nhấn mạnh, là bình thường trên phương diện lịch sử văn bản cũng như văn hóa, văn học dân gian. Ngay cả trong ca dao, tục ngữ, chúng ta cũng không khó để tìm ra vô số dị bản. Đôi khi, cũng một câu ca dao, tục ngữ đó, sai lệch đôi ba chữ cũng đã thành một dị bản khác rồi. Tuy nhiên, việc vẽ đặc tả “sãi Nghêu” thành một vị tu sĩ Phật giáo như trong những ấn phẩm vừa bị phản ánh là việc đáng quan tâm.
Trước hết, sãi trong tiếng Việt của chúng ta không phải là Tăng sĩ, nhà sư, mà chỉ là người đàn ông ở giữ chùa, như là người làm công quả mà chúng ta thường bắt gặp ở các chùa hiện nay. Do vậy, ca dao cũng có câu “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa lại quét lá đa”. Không phải là người xuất gia, nên họ có thể có vợ, có con; và con cái họ cũng có thể do hoàn cảnh nên gửi gắm nhờ nhà chùa, rồi cũng phụ cha những việc lao tác hằng ngày ở thiền môn.
Cái sai không thể chấp nhận của các ấn bản này là đã biếm họa từ “thầy bói” hay “sãi” - người đàn ông giúp việc ở chùa thành một vị Tăng sĩ, với đầy đủ các dấu hiệu hình thức nhận diện (đầu cạo, mặc pháp phục nâu, vàng…).
Từ trực quan, chắc chắn ai cũng nhận ra nhân vật trong truyện tranh là ông sư, người xuất gia tu hành, đồng nhất “sãi” với sư. Trong sự tiếp nhận đơn giản của tâm trí trẻ thơ, hình ảnh như trong các truyện tranh là một ông sư, như mọi ông sư ở chùa hiện nay.
Chúng ta không thể phủ định việc có thể xuất hiện dị bản dân gian “thầy bói” - “sãi” như trong “Nghêu Sò Ốc Hến”, tuy nhiên, việc lựa chọn dị bản nào để phổ biến trong cộng đồng lại là vấn đề phải quan tâm, đó là cái nói lên thái độ của chúng ta đối với nội dung phản ánh. Trong các chuyển thể sân khấu nghiêm túc, dường như chưa thấy nhà biên kịch hay đạo diễn nào làm như thế cả.
Huống nữa là truyện tranh cổ tích dành cho trẻ thơ, càng phải có sự cân nhắc khi quyết định cấp phép xuất bản, phát hành.
Gieo ấn tượng xấu với trẻ thơ về một tôn giáo lâu đời, gắn liền với lịch sử và văn hóa dân tộc, sẽ đồng thời góp phần tạo ra những định kiến về sau khi các cháu lớn lên. Rồi đây, khi trở thành các thiếu nữ, thanh niên, với ấn tượng đầu đời về một ông “sãi Nghêu” đạo đức giả, bất chính, trong hình thức nhà sư như vậy, liệu có ai dám chắc rằng sẽ không có ai trong số đó mang định kiến rằng Phật giáo và những người hướng dẫn tinh thần của tôn giáo ấy hay không?
Trong nhà Phật có nhắc tới những ấn tượng sơ tâm, những gì trẻ thơ tiếp nhận ban đầu sẽ không mất đi, mà trở thành những hạt giống (chủng tử) trong tâm thức, sẽ phát triển, đâm rễ nảy chồi sau này. Bởi vậy, người ta rất quan tâm tới việc giáo dục mầm non, thậm chí dạy dỗ từ khi con cái ở trong bụng mẹ (thai giáo). Trẻ con thường tiếp nhận thụ động, và việc lựa chọn những gì cho các cháu tiếp thu là cần hết sức cân nhắc và thận trọng, vì sẽ định hướng nhân cách và ứng xử của các cháu sau này khi lớn lên.
Trích một trong những truyện tranh "Nghêu Sò Ốc Hến" do NXB Mỹ Thuật cấp phép
Là người làm công tác văn hóa và giáo dục khá lâu, Hòa thượng có suy nghĩ gì về trách nhiệm trong việc cấp phép xuất bản và phát hành các ấn phẩm không phù hợp, đặc biệt liên quan tới Phật giáo?
HT.Thích Hải Ấn: Đây là câu chuyện có thể nói là rất dài, từ nhiều năm trước, ngay khi cư sĩ Võ Đình Cường còn đảm nhiệm Trưởng ban Văn hóa T.Ư, rồi sau đó là HT.Thích Trung Hậu kế nhiệm. Chúng tôi đã từng thảo luận, kiến nghị về chất lượng các ấn phẩm Phật giáo được các nhà xuất bản cấp phép phổ biến chính thức có vấn đề, thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc, như báo Giác Ngộ đã phản ánh nhiều năm trước đây. Có trường hợp Cục Xuất bản phải ra quyết định thu hồi và hủy vì sai phạm quá nghiêm trọng mang tính xuyên tạc kinh điển Phật giáo.
Các ấn phẩm muốn được in ấn, phát hành công khai thì phải có quyết định chấp thuận từ các nhà xuất bản. Hiện có hơn 50 nhà xuất bản thuộc các cơ quan trung ương và địa phương trong đó có nhà xuất bản Tôn Giáo được xem là chuyên trách về các tôn giáo. Tuy nhiên với các quy định mới, thực tế, nhà xuất bản nào cũng có thể vận dụng để cấp phép xuất bản ấn phẩm tôn giáo.
Có thể thấy hiện nay, việc cấp phép xuất bản, liên kết xuất bản giữa các đơn vị tư nhân và các nhà xuất bản là việc không hề khó khăn. Cởi mở và thông thoáng trong quy định, bên cạnh việc giúp cho ngành xuất bản có cơ hội phát triển, cạnh tranh lành mạnh, cũng đồng thời tạo ra những mối nguy hại rất lớn, mà không phải lúc nào chúng ta cũng thấy hết được. Một trong số đó là việc nhiễu loạn về nội dung, tư tưởng, đơn cử như trường hợp loạt sách về “Thiền tông” của ông Nguyễn Nhân vừa qua. Hiện nay, nếu kiểm đếm lại số lượng sách Phật giáo lưu hành trên thị trường, có thể dễ thấy, rất ít nhãn sách được cấp phép bởi Nhà xuất bản Tôn Giáo.
Nhiều lần đặt vấn đề nhưng dường như vẫn chưa có gì thay đổi trong thực tế. Chúng tôi nghĩ nếu không có một hướng đi, một tiếng nói chung giữa Giáo hội, Cục Xuất bản và các đơn vị xuất bản nhà nước lẫn tư nhân, chắc chắn, những trường hợp đáng tiếc như vừa qua sẽ tiếp tục tái diễn.
Chúng tôi cảm ơn báo chí đã phản ánh vấn đề trên. Chúng tôi xin tiếp nhận và cũng sẽ có những ý kiến trao đổi với Thường trực Ban Văn hóa T.Ư để đề đạt lên Giáo hội, hy vọng sẽ sớm có một lời giải xác đáng nhất cho “bài toán khó” này.
Hà My thực hiện/Báo Giác Ngộ