GNO - Giáo sư Hà Văn Tấn vừa qua đời ngày 27-11-2019 tại Hà Nội, hưởng thọ 82 tuổi. Ông được ví như “Lê Quý Đôn của thế kỷ XX”, được giới sử học và khảo cổ tôn vinh là “Đại sư” vì đạt đỉnh cao trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu. Ông là học giả uyên thâm về Phật học, đóng góp rất lớn lao cho nền Phật học nước ta, với hàng chục công trình nghiên cứu đồ sộ về khảo cổ, nghiên cứu văn hóa - lịch sử Phật giáo.
Chân dung GS.Hà Văn Tấn (1937-2019)
Giáo sư Hà Văn Tấn được mệnh danh là một trong "tứ trụ" sử học huyền thoại - những nhà sử học “đời đầu” của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, gồm: Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Trần Quốc Vượng và Giáo sư Hà Văn Tấn.
Sinh thời, Giáo sư Hà Văn Tấn đã để lại khối di sản khổng lồ với 250 công trình nghiên cứu khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước.
Ông là tác giả của 27 bộ sách đã xuất bản, trong đó nhiều bộ sách được coi là “kim chỉ nam” cho nền học thuật lịch sử Việt Nam, điển hình như: Lịch sử chế độ cộng sản nguyên thủy ở Việt Nam; Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam tập; Sơ yếu khảo cổ học nguyên thủy Việt Nam; Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII; Thuật ngữ sử học, dân tộc học khảo cổ học Nga - Việt; Lịch sử Phật giáo Việt Nam; Chùa Việt Nam; Tư tưởng thời kỳ tiền sử và sơ sử; Lịch sử tư tưởng Việt Nam; Triết học Ấn Độ cổ đại…
Giáo sư Hà Văn Tấn có đóng góp rất lớn cho nền khoa học Phật giáo nước ta, không chỉ dày công nghiên cứu về hệ thống chùa chiền, khảo cổ Phật giáo, mà ông còn từng đảm nhiệm vai trò chủ biên tạp chí Nghiên cứu Phật học thuộc Phân viện Nghiên cứu Phật học VN tại Hà Nội.
Trong số 27 bộ sách của ông đã xuất bản, có nhiều tác phẩm về Phật giáo đã trở thành “kinh điển”, phải kể đến như: “Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư” năm 1965; Lịch sử Phật giáo Việt Nam xuất bản năm 1988; Chùa Việt Nam xuất bản lần đầu năm 1993, đến nay đã tái bản nhiều lần.
Để thực hiện những công trình này, Giáo sư Hà Văn Tấn đã đi đến hầu khắp các ngôi chùa cổ trên mọi miền cả nước, nghiên cứu sâu từ kiến trúc, di vật, cổ vật lưu giữ ở các di tích và hiện vật tìm thấy trong những cuộc khảo cổ. Đặc biệt, với cuốn sách “Chữ trên đá, chữ trên đồng - minh văn và lịch sử” của ông, hàng nghìn văn bản chữ Hán, chữ Nôm trên các bia đá, chuông đồng cổ ở các ngôi cổ tự nước ta đã được Giáo sư dày công nghiên cứu, phân tích, từ đó phác thảo nên những nền văn hóa đồ sộ, nhữngý nghĩa lịch sử của minh văn qua các thời kỳ.
Bìa Sách
Gần 20 năm trước, khi Giáo sư Hà Văn Tấn còn làm ở tạp chí Nghiên cứu Phật học (khi ấy Cụ đã nghỉ hưu cơ quan nhà nước), người viết từng tìm đến gặp Cụ, xin khai thác những thông tin liên quan đến những bảo vật, di vật của Phật giáo. Được Giáo sư cung cấp cho rất nhiều tài liệu, những nghiên cứu về khảo cổ học Phật giáo. Trong đó, có những văn bản được Giáo sư Hà Văn Tấn trực tiếp đánh máy chữ với chữ giấy than màu xanh dập trên nền giấy màu nâu...
Từ những tư liệu, thông tin được Giáo sư Hà Văn Tấn cung cấp, tôi viết nhiều bài đăng trên các ấn phẩm của báo Giác Ngộ. Tôi nhiều lần đến chùa Quán Sứ gặp Giáo sư để thỉnh hỏi những thông tin, kiến thức về Phật giáo. Nhờ đó, tôi biết được một số phương pháp suy luận mà các nhà khoa học sử dụng để xác định niên đại của hiện vật, cũng như biết được những mô-típ mỹ thuật, hoa văn, kiến trúc của từng thời đại: Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê...
Nhưng rồi từ cách đây gần 15 năm, Giáo sư không còn đến chùa Quán Sứ nữa. Cũng từ đó, tôi không còn cơ hội được gặp. Vài lần tôi điện thoại vào số máy cố định của nhà giáo sư, nhưng lần nào cũng chỉ được gặp được một giọng phụ nữ (tôi đoán có lẽ là phu nhân hay con gái của giáo sư) và luôn nhận được lời từ chối: Bác Tấn ốm, không tiếp được ai, chú thông cảm.
Từ đó đến nay, tôi vẫn hy vọng Giáo sư Hà Văn Tấn sẽ khỏe lại, hy vọng có cơ duyên để lại được gặp và tiếp tục được học hỏi một chút kiến thức trong khối tri thức mênh mang như vũ trụ của ông, thế nhưng không biết làm cách nào để gặp được.
Cố nhà báo Hàm Châu (1935-2016) là cây bút nổi tiếng chuyên viết về chân dung các nhà khoa học, trong một bài báo đăng năm 2014 cho biết, Giáo sư Hà Văn Tấn thông thạo đến 7 ngoại ngữ, cũng là một học giả am tường chữ Phạn và Phật học.
Bài viết "Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư" in trên tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 76 (1965) khi tác giả mới 28 tuổi. Cột kinh này là một trụ đá tám mặt, trên các mặt đều có khắc chữ Hán. Vì đá mềm, bị vùi lâu dưới đất nên một số chỗ trên trụ hỏng nát, không nhận rõ mặt chữ. Hà Văn Tấn đã viết lại thật rõ các chữ Hán để đưa in, rồi dịch ra âm Hán - Việt. Và điều khó hơn nhiều là phục nguyên Phạn văn, bởi lẽ bản kinh chữ Hán khắc ở Hoa Lư kia chỉ là dùng chữ Hán để phiên tiếng Phạn mà thôi. Rồi phân tích ý nghĩa.
Theo cố nhà báo Hàm Châu, “Chúng ta đều biết tiếng Phạn (Sanskrit) là thứ cổ ngữ Ấn Độ, ngày nay, ngay cả người Ấn cũng chẳng mấy ai đọc được! Chỉ có những nhà bác học mới mong đọc hiểu. Sở dĩ Hà Văn Tấn đọc nổi là do anh đã âm thầm tự học tiếng Phạn qua tiếng Đức từ năm 20 tuổi!
Về sự thông thạo chữ Hán, tiếng Phạn và am hiểu Phật học của Giáo sư Hà Văn Tấn, ông Nguyễn Vinh Phúc kể một mẩu chuyện lý thú. Hay thăm thú các chùa, đền ở vùng Hà Nội, khi gặp phải những chữ Hán khó trên hoành phi, câu đối, bác Phúc thường tìm đến hỏi “ông bạn trẻ thông thái” và đều được giải đáp ngay, rành rọt, chính xác”.
Giờ Giáo sư Hà Văn Tấn đã từ giã cõi tạm này. Phật giáo Việt Nam, từ chư Tăng đến các Phật tử sẽ không bao giờ nguôi quên về một học giả đáng kính, sẽ mãi kính ngưỡng và biết ơn những công trình đồ sộ của ông đã đóng góp vào nền Phật học Việt Nam, đem những tri thức đến với mọi nhà. Xin dâng một nén tâm nhang bái vọng bậc đại thụ của nền Văn hóa - lịch sử Phật giáo Việt Nam
Giáo sư Hà Văn Tấn sinh ngày 16-8-1937, tại xã Tiên Điền (nay là thị trấn Tiên Điền), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trong một dòng họ có truyền thống khoa bảng. Dòng họ này có các danh nhân như nhà văn hóa tiến sĩ Hà Tôn Mục, thượng thư tiến sĩ Hà Tông Trình, phó bảng Hà Văn Đại. Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử-Địa trường Đại học Văn khoa Hà Nội và được giữ làm cán bộ giảng dạy. Gắn bó với nghề dạy học suốt nửa thế kỷ tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ông cũng là người sáng lập bộ môn Phương pháp luận sử học ở khoa sử. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Khảo cổ học. Ông từng là chủ nhiệm Bộ môn Phương pháp luận sử học, Khoa Lịch sử (1982 - 2009), Viện trưởng Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam) giai đoạn 1988-2008. Giáo sư Hà Văn Tấn được công nhận chức danh giáo sư năm 1980, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1997. Năm 2001, ông được tặng
Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về khoa học. |
Chu Minh Khôi