Mặt khác, nó cũng có thể thúc đẩy một số người cư xử với kẻ khác bằng sự độ lượng, cảm thông gần như mầu nhiệm. Theo ý của Thích Nhất Hạnh, sân hận không phải cơn cảm xúc để chế ngự, và nhất định không phải kẻ thù chúng ta cần phải tuyên chiến. Ngược lại, nó phải được chấp nhận một cách hiền hòa, cần được mỗi người chăm sóc.Qua sách, tác giả giải thích cho người đọc cách làm thế nào để có thể vượt qua những cảm xúc có thể làm nhiều người đau đớn, khổ sở. Ngoài ra, góc nhìn của Thích Nhất Hạnh, trong một nghĩa nào đó, mang màu sắc tâm lý, triết học khi giúp người đọc nhận ra những cơn giận của họ ở tầm ý nghĩa rộng lớn, vừa tích cực vừa tiêu cực trong bối cảnh cuộc sống của con người nói chung.
Hai mặt của cơn giận (hay “sân hận"), cả tích cực và tiêu cực, là trọng tâm mạch suy nghĩ của Thích Nhất Hạnh trong sách. Sự tức giận khiến cho người ta khổ, khiến người ta có cảm giác bị áp đặt hay hiểu lầm, đe dọa đến mối quan hệ thân mật giữa vợ chồng hoặc cha mẹ và con cái, sự kết nối giữa người và người bị cắt đứt.
“Chánh niệm" là phương pháp để thực hiện điều đó. Nếu một người có thể chuyển hóa sân hận của mình bằng cách đó, họ có nhiều cơ hội để sống ý nghĩa hơn.
Thích Nhất Hạnh quan niệm rằng sự khác nhau giữa người và người về cơ bản là ảo tưởng và sân hận khiến cho nó có tác động nghiêm trọng hơn. Tôi càng giận người khác thì tôi (từ góc nhìn phật giáo) càng quên đi người đó giống tôi thế nào - bỏ qua là người đó, trong một nghĩa nào đó, chính là "tôi". Kẻ thù tạm thời (cũng có thể về dài hạn) có vẻ khác tôi hoàn toàn: là nguyên nhân cho cảm giác khó chịu của tôi, là người thao túng, hạnh hạ, bóc lột tôi, hơn nữa là người xứng đáng để bị trừng phạt vì những hành động hằn học của mình.
Còn thực tế, kẻ đó thường giống tôi, vừa giận vừa đau khổ như tôi. Tôi càng công nhận điều đó, thông cảm cho người đó, chăm sóc và chuyển hóa cơn giận của người đó lẫn cơn giận của tôi thì khả năng xung đột sẽ chấm dứt, sự kết nối giữa cả hai sẽ cao hơn.
Ưu điểm của sách, ít nhất với tôi, là cách Thích Nhất Hạnh đề xuất biện pháp cụ thể để làm vơi những xung đột giữa người với người do sân hận gây ra. Ông dường như chứng minh rằng đạo phật có sẵn một cái (có thể gọi là) "kỹ thuật tinh thần" để đối phó với cảm xúc tiêu cực - đủ loại phương tiện để lấy Bụt làm gương, chứ không phải lấy làm nhân vật siêu tự nhiên để sùng bái.
Ông trình bày nhiều cách để thực tập chánh niệm dành cho những người đang giận hay đang đương đầu với cơn giận của người khác. Ông khuyến khích người đọc làm nổi bật những nguồn ý nghĩa hiện tại chung quanh - vốn bị sân hận làm mờ đi. Ông trình bày những lời nói cụ thể mà một người đang giận có thể dùng để cho kẻ khác biết mình đang giận mà không khiến kẻ đó có cảm giác bị buộc tội.
Trong chương áp cuối, ông còn đưa ra một mô hình để cho sân hận "lưu hành" trong tâm thức mình - thường xuyên mời nó theo nghĩa bóng vào “phòng khách" và cư xử như khách, với lòng thân thiện và từ bi.
Thích Nhất Hạnh có tài nghĩ ra cách ví von đơn giản nhưng không sáo rỗng, đầy hình ảnh ẩn dụ. Hình ảnh của cơn giận là khách mời từ nhà hầm tâm thức lên là một thí dụ. Truyện cổ tích Tú Uyên và Giáng Kiều được ông viết lại thành truyện ngụ ngôn hiện đại, mang màu sắc phật giáo, là một ví dụ khác.
Tuy vậy, tôi nghi ngờ một chút khi Thích Nhất Hạnh lý luận rằng cách hiệu quả nhất để giải quyết những xung đột có tầm xã hội hay quốc tế là cả thế giới quy y vào cửa phật và thực tập chánh niệm. Cách chuyển hóa sân hận này có thể hay nhưng không thực tế lắm. Có lẽ, tôi phải đọc tiếp các tác phẩm của Thích Nhất Hạnh, cũng như tìm hiểu thêm về phật giáo, để tìm ra câu trả lời.
-----> Nghe sách nói online tại đây - Download file pdf tại đây
-----> Mượn sách: xin liên hệ Văn phòng chùa Bửu Đà - Phòng Thư Viện