Thời gian gần đây chúng ta đọc khá nhiều thông tin về việc hôn nhân của những cặp đôi mà người ta thường gọi "đẹp như trong mơ" mà cuối cùng vẫn đi đến đổ vỡ. Có nhiều nguyên nhân để lý giải những việc ấy, ai cũng có những lý do chính đáng của riêng mình. Nếu nhìn dưới cái nhìn của Phật giáo thì đơn giản đó là chữ Duyên.
Chúng ta có nên tin vào duyên nợ không? Làm thế nào để biết mình có duyên nợ với ai đó? Cuộc sống con người là một giai đoạn trong dòng chảy luân hồi. Kiếp này nối tiếp kiếp khác, thừa hưởng và phát triển. Con người gặp nhau bởi chữ Duyên, sống và yêu nhau bởi chữ Nợ.
Cho dù bạn là ai, bạn có tin vào quy luật nhân quả hay không thì bạn vẫn đang chịu sự chi phối của nó. Các quy luật được định ra bởi tạo hóa, đơn giản nhất đó là gieo nhân thiện gặt quả thiện, gieo nhân ác nhất định sẽ gặt quả ác. Nếu hiểu được điều này, có lẽ chúng ta sẽ chẳng còn oán trách số phận tại sao không mang lại cho mình một người chồng/người vợ tốt đẹp như mơ ước, lúc này chúng ta sẽ hiểu rằng có lẽ mình chịu khổ cũng là để trả nghiệp, một khi trả xong rồi thì không còn nợ nữa, lúc đó hạnh phúc sẽ đến. Ngược lại, nếu chúng ta không hiểu điều này, cứ ôm hận trong lòng thì những cái hận ấy sẽ trở thành lý do để đời sau hai người lại phải kết ác duyên đế trả những nợ cũ.
Vậy nên lời khuyên là đừng rơi vào cảm giác đau khổ bất hạnh khi phải đối diện với những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, hãy hiểu rằng khó khăn hay mâu thuẫn hiện tại không phải là điều bất hạnh, thực ra đó là lúc nợ vay phải trả mà thôi, hãy đối diện với những khó khăn đó bằng thiện tâm và thái độ bình tĩnh. Một khi ta thấy lòng mình không dậy sóng nữa, thì sẽ thấy những sự việc tiếp theo sẽ có kết quả tốt hơn.
Vợ chồng đến được với nhau là nhờ nhân duyên tiền định, cho dù đó là thiện duyên hay ác duyên. Nếu là thiện duyên ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, nếu là ác duyên thì đấy là cơ hội để ta thiện giải và bồi hoàn lại những món nợ cũ. Trong kinh Jàkata là bản kinh nói về những kiếp trước của đức Phật có một đoạn Ngài nói là: “Công chúa Da Du Đà La và ta (với tư cách là Thái tử Tất Đạt Đa) không phải chỉ là vợ chồng ở kiếp này tâm đầu ý hợp mà ở nhiều kiếp trước đã từng là vợ chồng của nhau”.
Vì vậy trong cuộc sống gia đình, nếu ta may mắn, gieo đủ những nhân tốt, có được thiện duyên thì ta gặp người bạn đời hòa hợp, yêu thương và một cuộc sống hạnh phúc. Được vậy thì ta nên biết trân trọng, thấu hiểu và đồng hành cùng họ trong mọi lúc mọi nơi dù vinh quang hay khó khăn. Còn nếu như người bạn đời của mình chẳng như ta mong muốn, thì cũng đừng vội muộn phiền hay gây khổ đau cho họ. Bởi lẽ đó là nợ ta phải trả, thay vì buồn, thất vọng hay bất mãn hãy thử lặng lại và quan sát những điểm tốt của họ lắng nghe họ để tìm thấy những điểm chung. Nếu những thiện duyên của hai người còn đủ thì mối quan hệ ấy chúng ta vẫn có thể đồng hành. Còn nếu thiện duyên chẳng đủ thì cũng hãy bình tâm đón nhận, vì từ đây chúng ta đã hết nợ với nhau rồi.
Tuệ Như