Cứ mỗi độ cuối Thu, khí trời dần lạnh để chuyển qua mùa Đông thì cùng là lúc chúng ta liên tục nhận những tin tức ra đi đột ngột của đồng hương và đôi khi chính lại là người thân của mình. “Đột tử”, nỗi ám ảnh kinh hoàng của bao người, nhất là những người Việt tha hương mưu sinh kiếm sống.
Người ra đi không chỉ để lại nỗi đau khôn nguôi mà còn khiến cả gia đình phải lao đao khi họ là trụ cột kinh tế. Cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha…đồng hương mất đi một người. Hầu như, họ đều là những công nhân xa xứ tuổi đời còn thanh xuân. Cứ mỗi lần có người đột tử là gần như cả cộng đồng mình chạy đôn chạy đáo lo tang lễ, quyên góp hỗ trợ trong khi trên vai còn gánh gồng bao nỗi lo toan. Và, còn nhiều niềm đau, nỗi khổ khi một người âm thầm ra đi giữa mùa đông giá lạnh nơi đất khách không người thân thích nữa!
Ta thường nói “trời kêu ai nấy dạ” nhưng nếu biết chủ động đời sống, sinh hoạt lành mạnh thì mình sẽ tránh đi nhiều bệnh hiểm nghèo, tai nạn trong đó có đột tử. Với chút kinh nghiệm, chúng tôi xin chia sẻ cùng các bạn để mình có một thân thể khỏe mạnh, tâm hồn tươi sáng. Phòng hơn chống!
1. Dù phải tất bật mưu sinh kiếm tiền nhưng sức lực con người có hạn. Bạn cần điều chỉnh lại thời gian làm việc của mình. Bất đắc dĩ lắm thì cũng đừng quá 12 tiếng/ngày.
2. Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng. Không/hạn chế ăn thịt, hút thuốc, sử dụng chất kích thích vì đó là nguyên nhân góp phần cho các bệnh tim mạch, huyết áp.
3. Cuối ngày, cuối tuần cơ thể đã quá mệt mỏi, ta lại tu tập nhậu nhẹt để “giải mỏi”, nhảy múa thác loạn ở quán bar… Và đấy là một trong những nguyên nhân chính làm cho bạn vĩnh viễn khỏi “mỏi” nữa!
4. Mùa đông lạnh, phòng ngủ chật chội, đóng kín cửa, bật sưởi nền hay các thiết bị sưởi ấm sẽ làm cho không khí bị ngột ngạt, nhiều khí độc. Vì thế, nên hé cửa tí xíu để phòng ngủ có trao đổi khí với bên ngoài.
5. Khi ở nhà nên bật sưởi ở mức độ trung bình (khoảng 20 độ C), mặc đồ ấm, thường xuyên mang vớ vì lòng bàn chân có nhiều huyệt đạo quan trọng, nhất là khi ngủ. Không nên trùm kín mền lại khi ngủ.
6. Không nên tắm, gội đầu quá khuya, quá sớm; không nên tắm nước quá nóng, quá lạnh làm thân nhiệt thay đổi đột ngột.
7. Giữ tinh thần thoải mái, tươi vui hay tham gia các hoạt động lành mạnh, hữu ích để không bị căng thẳng, lo âu.
8. Thường xuyên khám sức khỏe định kỳ hay khi có dấu hiệu mệt mệt mỏi, suy nhược, khó thở, đau thắt ngực, đau tim… Chính những lúc ấy cơ thể mình ra phản kháng rồi mà chúng ta thường chủ quan vào sức trẻ…
Vì cơ địa người Việt của mình chưa thể thích ứng được theo khí hậu, thổ nhưỡng như người bản địa nên càng phải chú ý sức khỏe tinh thần và sức khỏe thân thể nhiều hơn. Thân thể này, tâm hồn này là quà tặng của cha mẹ, của cuộc đời và cũng là thứ gắn bó chung thủy với mình nên càng phải biết ơn, trân quý nhiều hơn nữa! Lo cho bản thân chính là thương mình! Thương mình chính là thương cha mẹ, người thân, bạn bè, đồng hương mình! Nếu không đóng góp được gì cho cuộc đời thì đừng trở thành gánh nặng của gia đình, bạn bè, đồng hương trong khi ai cũng vất vả!
Mong thay,
Tường Thanh