Tuần rồi, tôi qua Nhật gặp một thầy cũng tu Pháp hoa nói rằng chỉ mới đọc phần nguyện hương của Bổn môn Pháp hoa, ông đã cảm thấy an lành. Nếu Phật tử tụng nhiều lần kinh này nhưng không an lành thì phải coi lại, có thể chưa hiểu và chưa áp dụng đúng.
Trong bài nguyện hương, tôi dùng câu đơn giản, nhưng ai hiểu đúng và ứng dụng được trong cuộc sống tu hành sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp.
“Đốt nén tâm hương trước Phật đài,
Ngũ phần dâng trọn Đức Như Lai,
Cầu xin nhân loại lên bờ giác,
Hạnh phúc bình an khắp muôn loài”.
Thực tế cho thấy nhiều người đốt hương thật nhiều và thật rẻ, nhưng ngửi khói hương đó rất độc, rất hại sức khỏe.
Vào thời kỳ khó khăn, nguy hiểm nhất, trong phòng tôi không đốt hương, nhưng tôi thấy mùi hương bằng tâm, nghe mùi hương bằng tâm và ngửi mùi hương cũng bằng tâm; nghĩa là sáu giác quan và tâm là chính đều tiếp cận Phật. Vì vậy, tôi đốt tâm hương, không đốt hương bên ngoài.
Ở Nhật, người ta đốt hương không khói, hay ít khói, nhưng nghe mùi hương bên ngoài và gắn liền được với tâm hương làm cho tâm mình vắng lặng, mới là điều quan trọng. Không phải đốt hương bên ngoài nhiều mà tâm cách Phật xa. Vì lòng thành giúp ta đến với Phật, hay Phật đến với ta. Tu như vậy, tôi ngồi một mình, nhưng nhìn đâu cũng thấy Phật là thấy bằng tâm.
Ngồi trước Phật đài, nhìn tượng Phật, nhưng tâm mình bốc hương, hương đó là năm phần tâm hương dâng trọn lên Đức Phật: giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương, giải thoát tri kiến hương.
Trước tiên là giới hương. Phật tử tu đốt cho bốc ra được hương giới đức để ai thấy cũng thương mình thì làm được việc, vì thương thì khó cũng thành dễ, bỏ qua sai sót. Nếu không thương mà muốn buộc tội thì thế nào cũng thành tội.
Hương giới đức bốc lên đương nhiên cầu nguyện được. Thực tế quý thầy làm đạo, Phật tử quý mến mới phát tâm cúng dường, chính quyền có thiện cảm mới hỗ trợ, Phật thương mới gia hộ, chắc chắn quý vị thành tựu viên mãn việc khó làm. Còn họ không thương, mình xin, họ cho bất đắc dĩ như bố thí ăn mày.
Vì vậy, quý vị đốt hương, nhưng đạo hạnh, giới đức không có thì tu hành không kết quả. Lúc Phật tại thế, Vô Não là sát nhân, nhưng khi xuất gia, tu hành, ông trở thành người hiền nhất và ông tinh tấn thể nghiệm pháp Phật, nên đã đắc quả A-la-hán rất nhanh.
Một hôm, trên bước đường khất thực, ông gặp một phụ nữ sắp sanh, nhưng không sanh được, rên la dữ dội. Ông thấy tội nghiệp quá, không biết làm sao, vội chạy về hỏi Phật. Phật bảo ông đến chỗ bà đó, đứng yên và tâm khởi lên ý nghĩ rằng kể từ ngày xuất gia theo Phật cho đến bây giờ, tôi chưa làm tổn hại loài nào. Xin đem công đức này hồi hướng cho bà. Ông vừa hồi hướng xong, bà liền sanh con.
Trong kinh Dược Sư nói: “Nếu có phụ nữ chịu khổ lúc sanh, sức lực tiêu tan tưởng chừng phải chết. Nhờ phước đời trước nghe được danh hiệu của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, liền hết khổ đau, hạ sanh mau lẹ, mẹ con bình an. Phật hỏi A Nan có tin việc ấy…”. Ý này phát xuất từ kinh Nguyên thủy.
Bằng tâm thanh tịnh, Phật tử giữ năm giới, tôi nghĩ cầu gì cũng được; nếu không, cầu xin Phật cũng không chứng. Phải cố gắng giữ giới, vì có giới mới thành đức và có đức hạnh, người ta mới tin, nghe mình.
Đốt được hương giới đức, đến hương thứ hai là định hương. Định hương là tâm tập trung, cắt tất cả phiền não trần lao, không ham muốn, ngã mạn, sân si; tất cả mọi việc bỏ ngoài tai. Tâm chúng ta định thì cầu nguyện thành công.
Tâm định giúp ta biết sống theo dòng chảy nhân quả, nên hiểu rằng những gì không tốt đẹp mà chúng ta gánh chịu hôm nay đều do dư nghiệp quá khứ. Nếu biết buông bỏ, dư nghiệp đó cũng trôi lần về quá khứ, nhưng nếu chúng ta giữ nó trong lòng thì nó sẽ phát triển lên, khiến ta có suy nghĩ, lời nói và hành động sân hận, mê muội, ác độc.
Tâm người có định sẽ toát lên thần thái thanh tịnh kỳ diệu. Điển hình là Sa-môn Cù Đàm vào thành Vương Xá, âm thầm lặng lẽ đi, không quan tâm chung quanh, Ngài chỉ nghĩ đến Phật và nghĩ làm sao để thành Phật. Vì vậy, vua Tần Bà Sa La trông thấy thân tướng hảo thanh tịnh, giải thoát của Ngài liền sanh tâm kính trọng và thỉnh Ngài về triều để cúng dường, nhưng Ngài từ chối.
Có định thì có trí tuệ mới nhìn thấy sự thật của cuộc đời không có gì đáng buồn giận, lo sợ. Tất cả các pháp đều như vậy, kinh gọi là pháp nhĩ như thị. Lo nhiều cũng không được gì, chỉ chuốc lấy khổ chồng chất thêm khổ.
Vì vậy, có huệ rồi, chúng ta thấy những điều khác hơn người thường thấy. Tôi có người bạn học kinh doanh, bằng tuổi tôi. Anh kinh doanh từ lúc còn trẻ cho đến nay 81 tuổi mà vẫn trắng tay. Anh học giỏi, có học vị tiến sĩ, nhưng thiếu niềm tin Phật, chỉ tin khả năng mình, nghĩ mình giỏi, khôn, chắc chắn thành công. Tuy anh giỏi thiệt, khôn thiệt, nhưng không được ai tin, không ai nghe, khiến anh làm ăn thất bại liên tục, nợ chồng chất. Khi tôi sang Nhật, 50 năm mới gặp lại nhau, anh ôm tôi khóc ròng và nói rằng tưởng cuộc đời tôi phải đi xuống, không thể bằng anh, vì tôi tu hành làm sao giàu, nhưng nào ngờ chính anh lại rơi vào cảnh khốn khổ đến như vậy. Trong khi anh nhận thấy tôi tự tại giải thoát và thành tựu một số Phật sự. Thấy tôi thăng hoa trong đạo pháp khiến anh hối hận vì đã lỡ dại rời bỏ con đường tu.
Huệ hương, tức có huệ, chúng ta thấy rõ diễn tiến của mọi việc, biết chỗ nên tới, chỗ nên tránh. Thật vậy, nếu tới bằng tham vọng, hoàn toàn thất bại, vì tất cả cạm bẫy, cám dỗ sẽ đưa ta vô chỗ chết.
Có chút trí tuệ nhìn đời thấy khác. Điển hình như Ưu Ba Ly nói rằng ba đời gia đình ông làm thợ hớt tóc, nghèo đến mức độ chưa thấy một chỉ vàng. Nhưng khi gặp bảy công tử xuất gia theo Phật, họ đã cho ông tất cả châu báu. Nghèo rớt mồng tơi mà được như vậy phải mừng rỡ. Nhưng nhờ lòng từ bi của Phật rọi đến và cũng nhờ căn lành khiến ông nghĩ rằng họ vứt bỏ châu báu để theo Phật tu, còn mình ôm cái họ bỏ làm chi cho khổ, vì nếu người ta biết ông có của báu, họ sẽ giết ông để chiếm đoạt. Người thật tu thấy vàng sợ như rắn độc là vậy. Thấy vàng quý và ham, nhưng mạt vàng bay vô mắt thì không lấy ra được, ví cho người tham sẽ chết vì tham.
Nghĩ vậy, Ưu Ba Ly vội vứt bỏ châu báu, theo Phật tu, trở thành người trì luật Đệ nhất A-la-hán. Tất cả giới đàn đều tôn thờ Tôn giả Ưu Ba Ly, vì ngài thể hiện mẫu người đức hạnh vẹn toàn.
Đốt được tâm hương thứ nhất thì người thương mình. Đốt tâm hương thứ hai thì người kính trọng. Và huệ sanh, giải quyết được khó khăn cho người, họ vui mừng, phát tâm theo Phật là tâm hương thứ ba.
Tâm hương thứ tư là giải thoát hương, không vướng bận bất cứ thứ gì. Còn kẹt cái gì thì cầu nguyện không kết quả. Riêng tôi, không cầu gì trên cuộc đời này, tôi chỉ cầu Phật gia hộ xây dựng được Việt Nam Quốc Tự là tôi cầu cho lợi ích chung của mọi người, không xin cho mình. Nếu xin cho riêng tôi, chắc chắn Phật không cho.
Và kết quả tốt đẹp vô cùng, chỉ trong vòng 3 năm, ngôi đại tự này hoàn thành. Tôi nghĩ Đức Quan Âm đã hộ niệm cho được như vậy, vì ngày khởi công xây chùa, ngày đúc tượng Phật, ngày khánh thành chùa đều ngẫu nhiên rơi vào ngày vía Bồ-tát Quan Âm.
Cả năm phần tâm hương dâng trọn Đức Như Lai và tất cả công đức con tu được ở đời này hay nhiều đời trước xin dâng tất cả lên Như Lai để cầu xin nhân loại lên bờ giác, nghĩa là cầu xin mọi người không tham lam, không bực tức, không làm khổ nhau và cầu cho bình an, hạnh phúc đến với mọi người, mọi loài.
Cầu xin sự tốt đẹp như vậy, vì thực tế xã hội còn rất nhiều người xấu, nhiều người không giác ngộ, không hiểu biết đúng đắn khiến muôn loài không thể bình an. Thí dụ đơn giản, chúng ta đang nghe pháp rất bình an, nhưng có một anh không giác ngộ, không hiểu biết vô đây quậy phá thì làm khổ chúng ta chứ.
Nhận thấy hoàn cảnh khổ của nhân loại nhiều vô cùng, con tha thiết dâng Phật năm phần tâm hương để cầu tất cả muôn loài được bình an.
Riêng tôi, sống trong thời kỳ vô cùng khó khăn, hiểm nguy, gian khổ, tôi luôn giữ tâm mình an trú trong giới đức, định tĩnh, trí tuệ, giải thoát và giải thoát tri kiến để có cuộc sống bình an trong nhà Phật. Và những người tìm đến, họ thấy tôi bình an thanh thản trong cảnh dầu sôi lửa bỏng đã tác động cho họ cũng được bình an theo. Cả đạo tràng Pháp Hoa tu hành bình an như vậy đó.
HT.Thích Trí Quảng