DỌN NHÀ, DỌN CỬA, GỘT RỬA TRÁI TIM
“Cuộc sống bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất”. Đó là lý do tôi muốn giới thiệu cuốn sách “Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa trái tim” đến bạn. Một tác phẩm Phật học ứng dụng đến từ một đất nước vốn nổi tiếng về những tác phẩm Phật học chuyên khảo, những công trình nghiên cứu Phật học uy tín – đất nước Nhật Bản.
Tác giả đầu sách, Shoukei Matsumoto “là một nhà sư, tu hành tại ngôi chùa mang tên Komyo (Quang Minh) nằm tại thị trấn Kamiya, Tokyo, Nhật Bản”. Năm 2003, Shoukei Matsumoto “gõ cánh cửa chùa Komyo, trở thành nhà sư thuộc phái Bản nguyên tự (Hongan-ji) của Tịnh độ chân tông”.
Tác phẩm “Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa trái tim” được Shoukei Matsumoto chia sẻ gồm 4 chương và 3 phần phụ. Trong Lời nói đầu, tác giả đã chia sẻ: Việc dọn dẹp ngôi chùa không phải vì đã bẩn, cũng chẳng phải vì bừa bộn, mà “nó được tiến hành để loại bỏ những đám mâymù ẩn sâu trong trái tim, trong tâm hồn mỗi con ngườichúng ta”. Việc dọn dẹp mà đôi khi ta cảm thấy chán ngắt, qua chia sẻ của tác giả đã trở nên đầy thú vịvà ý nghĩa.
Dọn dẹp, theo Shoukei Matsumoto là quá trình “tu hành” để bồi dưỡng vẻ đẹp tâm hồn. “Nhờ vào việc dọn dẹp, tâm hồn của bản thân dường như cũng được gột rửa”. Tác giả khuyên chúng ta “hãy lau sàn nhà với tâm trạng tựa như khi đang lau tấm gương phản chiếu tâm hồn”. Hãy thực tập và tôi chắc chắn bạn sẽ cảm thấy thật lý thú và an lạc. Bởi đây cũng là một phương pháp để ta thực tập “hiện pháp lạc trú”.
Nhưng tác phẩm không chỉ nói về dọn dẹp… Tác giả còn chia sẻ với bạn rất nhiều kỹ năng sống. Như câu nói trong phái Thiền “Tiền hậu tế đoạn”:
“Đừng tiếc nuối những đau buồn của quá khứ, cũng đừng vẽ ra kế hoạch cho tương lai, hãy dốc toàn khí lực, từng ngày cố gắng hết mình để ngày sau chẳng còn gì hối tiếc”.
Ở một phần khác của quyển sách, Shoukei Matsumoto chia sẻ về Phòng thờ - Batsuma trong cấu trúc của một ngôi nhà. Theo tác giả, “bàn thờ chính là ‘ngôi chùa thu nhỏ’ bên trong gia đình của bạn”. Và “Ngôi nhà của bạn là nơi để tỏ lòng biết ơn tới Đức Phật từ tận sâu trong trái tim, nên nhất định hãy chào đón Ngài tới ngôi nhà của mình nhé”. Một lời khuyên hãy thỉnh Phật về thờ tại tư gia được tác giả chia sẻ đầy nhẹ nhàng và chân tình.
Một điểm thú vị khác của cuốn sách khi tác giả chia sẻ về niềm hạnh phúc của nhà sư. “Vì chỉ mang những vật nằm trong giới hạn, nên những nhà sư không cần phải băn khoăn liệu rằng hôm nay sẽ mặc cái gì”. Một niềm hạnh phúc khi chúng ta không có nhiều sự lựa chọn. Bởi đôi khi có quá nhiều sự lựa chọn thì chúng ta sẽ rối, đôi khi cả đau đầu. Người đang viết bài giới thiệu cuốn sách này đến bạn cũng là một nhà sư. Và điểm tác giả đề cập là điều mà tôi cảm nhận khá rõ. Bạn cũng có thể cùng tu sĩ chúng tôi thực tập: Cắt giảm những đồ vật và trang phục xuống mức đơn giản nhất có thể.
…
Một chia sẻ khác mà theo tôi, giới trẻ hôm nay ngộ nhận rất nhiều. Ngộ nhận về tự do. Bởi có nhiều người cho rằng, tự do tức là có thể làm những điều mình thích theo đúng như ý muốn của mình. Thế nhưng, theo tác giả, đó không phải là tự do thật sự. Bởi “tại thời điểm nghĩ rằng ‘muốn làm cái này, muốn làm cái kia’ cũng là lúc trái tim bạn bị cuốn vào những dục vọng tầm thường”. Vậy tự dothật sự theo Shoukei Matsumoto là gì? Hãy cùng khám phá và tìm cho mình câu trả lời bạn nhé.
“Dọn nhà, dọn cửa, gột rửa trái tim” không phải là một cuốn sách nghiên cứu hay đọc để tìm hiểu cái gì đó to tát. Nhưng nếu bạn muốn tìm đọc một cuốn sách để ứng dụng giáo lý Phật giáo vào cuộc sống hằng ngày thì cuốn sách trên sẽ rất thú vị. Bởi chẳng phải, dọn dẹp là công việc mà mỗi người chúng tasẽ làm mỗi ngày sao?
Một vài cảm nhận về tác phẩm. Trân trọng chia sẻ cùng mọi người. “DỌN NHÀ, DỌN CỬA, GỘT RỬATRÁI TIM”, tác giả: Shoukei Matsumoto, minh họa: Kikue Tamura, Hương Linh dịch. NXB. Lao Động, phát hành: Sách Thái Hà. 234 trang.
TP.HCM, ngày 12-06-2018