Sư Ông Trúc Lâm Pháp Ngữ: Có sanh thì phải có tử là việc đương nhiên, Nếu khi sanh được vui trong cái sanh, đến lúc tử cũng vui trong cái tử thì tốt biết mấy.
Sanh tử của mỗi người không lường được, xưa mình ở đâu ra đây, lúc nào tan hoại sẽ đến, chúng ta đều không biết trước, cũng không tránh khỏi. Điều không thể biết không thể tránh mà lo sợ là không thông, là người không hiểu đạo lý.
Đạo Phật nhìn thẳng và chỉ thẳng vào lẽ thật, còn người đời thì né tránh không dám chấp nhận. Lúc già đau bệnh, nếu có ai đến thăm nói bệnh này chắc chết, nghe là buồn giận lo sợ liền. Một chữ “chết” tránh né không dám nhắc tới, mà tránh né có khỏi không?
Chúng ta nên can đảm, sống ngày nào tu hành ngày đó, mai chết hay mốt chết cũng không quan trọng. Hết duyên nơi này thì đến chỗ khác làm Phật sự, có gì phải lo.
Thấu suốt được như vậy thì sống chết đều an vui. Cho nên chúng ta phải gắng tu để biết đường đi, biết rõ rồi sẽ giảm phần đau khổ vì thân hoành hành, bớt phần lo sợ không biết đi đâu. Khi sống không sợ thiếu nghèo, khen chê, vinh nhục... Lúc chết không lo chẳng biết lối đi, mai kia thế nào. Bởi chính tâm mình chọn lối đi, chứ không ai chọn cho mình.
Phật nói giữ năm giới là được trở lại làm người. Hiện tại ngoài việc giữ gìn năm giới chúng ta còn biết tu tập thiền định, vậy là tối thiểu cũng được trở lại làm người, còn khá khá thì tới những chỗ cao hơn.
Người biết tu là đi con đường hướng lên, chứ đâu có tuột xuống mà phải lo sợ. Xe cũ hư sẽ có xe mới tốt, tin chắc như vậy. Nếu không hiểu đạo lý, đến khi gần chết nỗi sợ khổ không bằng nỗi sợ mất thân, lo lắng không biết đi đâu, thân thể đau nhức hoành hành, hoảng hốt sợ sệt chụp càn những thân không tốt.
Đó là điều đáng sợ, Phật tử cần phải lưu ý.
THANH TỪ TOÀN TẬP
Trang 300 , quyển 35