GN - Không biết từ khi nào lại có tư tưởng cho rằng người tu đi tụng kinh đám tang là thấp kém, hạ thấp vị thế của mình. Cho nên một số quý thầy, cô hiện nay không đi tụng đám tang và tự hào như vậy mới là chân tu. Tụng đám tang chỉ dành cho thầy đám, thầy cúng mà thôi.
Một tang lễ có thỉnh quý thầy tụng kinh, hộ niệm - Ảnh minh họa
Một số thầy, cô không đi tụng kinh đám tang có lẽ trước hết là vì cho rằng Phật giáo chỉ độ sinh chứ không độ tử cũng như không có chuyện cầu nguyện, dù là cầu an hay cầu siêu. Đúng là thời Đức Phật không có đi tụng kinh đám tang nhưng Đức Phật và chư Tăng có khi đi khai thị cho Phật tử trước lúc lâm chung. Điển hình như Tôn giả Xá-lợi-phất đã đến nhà của trưởng giả Cấp Cô Độc và giảng cho ông nghe bài kinh Vô ngã, giúp ông chứng quả ngay trước lúc ông lìa trần. Đây thật ra là một hình thức cầu siêu, chỉ khác là thay vì nói kinh thì ngày nay người ta tụng kinh. Tuy hình thức khác nhau nhưng lời kinh thì giống nhau và đều có tác dụng khai thị, thức tỉnh người nghe. Còn cho rằng khai thị là khi người ta còn sống, nhưng ai bảo rằng sau khi chết, thần thức không thể nghe kinh? Chúng sinh sau khi mất, có người tái sinh liền, có người một thời gian sau mới tái sinh. Trong thời gian đó, nếu họ có thể nghe kinh kệ và tiếp nhận năng lượng thiện lành cũng như công đức mà người thân làm cho họ thì họ sẽ được lợi lạc rất lớn. Hay ít nhất họ cũng cảm thấy hoan hỷ khi biết được người thân đang hướng về họ và dành cho họ những điều tốt đẹp nhất.
Một người sau khi mất đi rất cần sự trợ giúp về mặt tâm linh của những người còn sống. Nếu quý Tăng, Ni dùng công đức tu hành của mình, với lòng từ bi nhất tâm cầu nguyện cho hương linh thì họ sẽ hưởng được nhiều lợi lạc. Nhưng nếu quý Tăng, Ni từ chối đi tụng đám tang thì việc đó sẽ được giao cho những thầy tụng do trại hòm mời. Những thầy tụng này coi việc tụng đám như một cái nghề kiếm sống nên sự tu hành cũng có hạn chế cũng như họ không tha thiết trong việc cầu nguyện. Và như vậy là hương linh sẽ bị thiệt thòi rất lớn so với khi được quý Tăng, Ni cầu nguyện cho. Như vậy đi tụng kinh đám tang là vì lòng từ bi muốn đem lại lợi lạc cho người đã mất, đó là cao thượng chứ đâu phải là thấp kém.
Khi một người trong gia đình mất, tang gia rất đau buồn và bối rối. Họ không biết làm gì cho phải, sắp đặt tang lễ sao cho đúng pháp và phải làm gì để đem đến những điều tốt đẹp nhất cho hương linh. Họ cần một sự hướng dẫn về mặt tâm linh. Cho nên lúc này sự hiện diện của chư Tăng, Ni là rất cần thiết. Quý thầy, cô có thể hướng dẫn cho tang gia hiếu quyến tiến hành tang lễ đúng theo Chánh pháp để cho cả gia quyến và hương linh đều được lợi lạc. Tất nhiên quý thầy, cô không cần phải đi cúng cơm ngày 3 lần như các “thầy tụng” vì không có thời gian và cũng không cần thiết phải làm như vậy. Chỉ cần cúng cơm buổi trưa và một thời hộ niệm buổi tối là được rồi. Còn buổi sáng và buổi chiều thì mình dặn gia đình dọn đồ ăn lên rồi tự cúng cũng được. Và quan trọng là chư Tăng, Ni sẽ không nhận tiền tạ đám (trừ cúng dường Tam bảo), vì mục đích mình đến là để chia buồn, trợ duyên và cầu nguyện. Sự trợ duyên vô tư đó của chư Tăng, Ni chắc chắn sẽ làm cho gia quyến cảm kích rất nhiều. Tôi thấy rằng có nhiều gia đình bình thường không biết gì nhiều về Phật pháp nhưng sau tang lễ liền biết đi chùa và dần dần trở thành Phật tử, mà nguyên nhân trước tiên là vì họ cảm kích sự quan tâm của quý thầy, cô trong những ngày tang gia bối rối.
Người xưa nói “chỉ có người xấu chứ không có nghề xấu”. Lại nói “người chánh làm việc tà thì việc tà cũng biến thành chánh. Ngược lại người tà làm việc chánh thì việc chánh cũng trở thành tà”. Phật pháp có vô lượng pháp môn để tu và phương cách hóa độ chúng sinh. Dù là pháp môn nào đi nữa thì cũng chỉ là phương tiện, có thể là chánh mà cũng có thể là tà tùy theo cái tâm của người sử dụng. Đối với việc tụng kinh đám tang cũng vậy, nếu ta tụng để kiếm tiền thì thấp kém, nhưng ta tụng vì lòng từ bi thì đó sẽ là một pháp môn tu hành và hoằng pháp vô cùng cao thượng vậy.
Thích Trung Hữu