Môi trường sống và hành đạo của chúng xuất gia chính là tụ lạc, thôn xóm, gia đình của hàng tại gia. Chúng Tăng khất thực hàng ngày là một phương thức lý tưởng để kết duyên cùng thế tục, tiếp xúc với xã hội. Nhờ khất thực mà mỗi ngày vị xuất gia phải ra đường, vào làng, gặp gỡ mọi người. Chư Tăng đi khất thực vừa nhận thực phẩm để nuôi sống thân mạng, vừa tận dụng cơ hội quý báu để thăm hỏi, chúc phúc và thuyết pháp. Sau khi khất thực xong thì họ về lại trú xứ thọ thực, tọa thiền, kinh hành, nghe pháp v.v… Chính khoảng thời gian này lại biệt lập, cách ly với đời sống tại gia, ở nơi lan nhã u tịch, xa lìa ồn náo của thế thường.
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có Tôn giả Na-ca-đạt-đa ở nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian, nghỉ lại trong một khu rừng. Lúc ấy, có người tại gia và xuất gia, thường gần gũi nhau. Thiên thần ở trong rừng kia tự nghĩ: “Đây không phải là pháp Tỳ-kheo ở trong rừng, người xuất gia và tại gia cùng nhau thân cận, nay ta phải đến dùng phương tiện cảnh tỉnh”. Thiên thần liền nói kệ:
Tỳ-kheo sớm ra đi
Gần tối trở về rừng
Đạo tục gần gũi nhau
Khổ vui cùng chia sẻ
E buông thói tục gia
Để cho ma lung lạc.
Khi Tỳ-kheo Na-ca-đạt-đa được Thiên thần kia nhắc nhở như vậy rồi, chuyên tinh tư duy như vậy như vậy, đoạn các phiền não, đắc A-la-hán”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1342)
Khi người xuất gia sống quá thân mật, gần gũi với người tại gia thì khuynh hướng tập nhiễm thế tục tăng thêm. Đơn giản vì đời sống thế tục có nhiều vị ngọt, hấp dẫn các căn, khiến dễ dàng đánh mất chánh niệm. Người xuất gia, nhất là hàng sơ cơ tân học nhờ nương theo đại Tăng và cảnh trí u tịch nơi nhàn xứ mà nhiếp tâm. Xa rời thiện xứ ấy thì tự khắc sẽ rơi vào nạn xứ. Cho nên, hình ảnh bông sen “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” tuy rất đẹp nhưng đó là đại hùng lực của những bậc đã vào dòng hay vượt dòng, giới định tuệ vững chãi. Còn lại chúng ta đều cần nương vào oai đức của đại chúng, chùa viện để nhiếp tâm, giữ ý tu hành.
Quảng Tánh