/

Con đường hành hương Phật giáo sắp hoàn thành

Thứ hai, 05/11/2018, 19:59 GMT+7
Ảnh: PTI

 

     Bộ trưởng Bộ Thống nhất Ấn Độ, ông Nitin Gadkari (ảnh)hôm cuối tuần qua cho biết dự án phát triển con đường hành hương gắn liền với cuộc đời, công hạnh của Đức Phật sẽ hoàn thành trước năm 2020 tại đất nước này.

     Cùng với đó, vị lãnh đạo cấp cao này cũng thông tin thêm rằng, đường sá kết nối các di tích Phật giáo đang được xây dựng hoàn chỉnh.

     Khi hoàn thành con đường hành hương, công trình này sẽ kết nối những địa điểm quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật, với kinh phí thi công khoảng 100 triệu rupi.

     “Có một lượng lớn Phật tử từ khắp nơi trên thế giới đến tham quan Ấn Độ vì kính ngưỡng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tuy nhiên, do hạn chế về đường giao thông và cơ sở hạ tầng, họ không thể di chuyển đến hầu hết các thánh tích liên quan đến cuộc đời và dấu chân của Ngài”, Bộ trưởng phụ trách về giao thông và đường cao tốc chia sẻ với giới truyền thông địa phương.

     Thông tin thêm về dự án này, ông Gadkari cho biết Bộ Giao thông và Đường Cao tốc Ấn Độ đang xây dựng mở rộng đường tại nhiều địa điểm khác nhau thuộc vùng Uttar Pradesh và Bihar nhằm kết nối tốt nhất các điểm hành hương, bao gồm Vaishali, Patna, Bodh Gaya, Rajgir, Nalanda, Kahalgaon và Vikramshila.

     “Đây là dự án lớn nhất về giao thông liên quan đến các thắng tích Phật giáo cho đến thời điểm này của Ấn Độ. Chính phủ đã quyết định đầu tư khá lớn và trọn vẹn vào dự án trọng điểm này. Chúng tôi đang ráo riết hoàn thiện để có thể đưa vào sử dụng vào năm 2020 nhằm đáp ứng nhu cầu hành hương và đi lại của những người con Phật khắp nơi trên thế giới”, vị Bộ trưởng cho biết thêm.

     Cũng theo tính toán từ các nhà chức trách, chắc chắn khi hoàn thành, Ấn Độ sẽ thu hút đông đảo khách hành hương đến từ các quốc gia khác nhau, tạo lực đẩy mạnh mẽ cho ngành du lịch vốn nhiều tiềm năng và cũng là cơ hội cung ứng thêm việc làm cho lượng nhân công đông đảo tại quốc gia này.

     “Theo thiết kế và tính toán kỹ thuật, khi hoàn thành con đường hành hương Phật giáo sẽ có ba khu vực chính, bao gồm: vùng trung tâm Bihar với Bodh Gaya làm điểm nhấn; vùng Dharmayatra lấy Kushinagar làm điểm nhấn, trong khi vùng Dharmayatra sẽ lấy Kapilvastu làm điểm nhấn”, ông Gadkari chia sẻ. 

Gia Trúc - Ngọc Lợi 
(theo BS)

Ý kiến của bạn