Cuộc sống là chuỗi tiếp nối những ngày tháng sinh hoạt đời thường, thông qua ba hành là khẩu hành nói năng, thân hành thực hiện, ý hành nghĩ suy.
Không ai là hoàn hảo, mà nếu có hoàn hảo thì chỉ có thể hoàn hảo trong một hay vài điều mà thôi. Và điều mong muốn của người tu hành trong kiếp sống nhân sinh là tìm được chân lý của sự giải thoát mọi buộc ràng thế gian, thoát kiếp luân hồi đầy khổ lụy. Và rất nhiều người đi tìm chân lý, đi tìm sự giải thoát bằng rất nhiều cách, nhiều con đừng nhưng khi tìm được thì than ôi, điều ta cần tìm bấy lâu nay lại nằm ở điều bình dị đời thường mà ta ngày thường không để ý, không biết hay không màng chỉ vì vọng tưởng quay cuồng trong cái tâm sinh diệt chi phối che đậy bởi vô minh mà khởi tạo tác nghiệp báo phiền não, ưu tư, sầu bi, khổ lụy.
Sự tỉnh thức chú tâm là chìa khóa cho mọi vấn đề trong đời thường cũng như đường đạo. Khi làm điều gì thì hãy chú tâm vào việc mình làm mà không phân tâm nghĩ suy, lo lắng trong những niệm nghĩ, niệm tưởng, niệm lo, niệm nhớ, niệm day dứt, niệm tương tư, niệm vọng…mà không khi nào tâm thức được yên. Khi gạt bỏ hay biết niệm vọng mà không theo, tỉnh giác chú tâm trong mọi hành động thì những việc như quét nhà, nấu ăn, rửa chén, lái xe, ngắm cảnh, vui đùa với thú nuôi…tất cả cũng đều chứa đựng chân lý giải thoát. Sự chú tâm hay còn gọi là thức tỉnh hay tỉnh thức trong từng ý niệm, từng hành vi. Niệm Phật là sự chú tâm tỉnh thức trong khẩu hành. Khi niệm Phật, niệm thầm hay niệm ra tiếng đều được, và mỗi câu mỗi chữ khi niệm thì ta hãy để tâm vào đó, thì tâm thức được an trú trong chánh niệm danh hiệu chư Phật, chư vị bồ tát mà sẽ được thanh tịnh. Bất cứ làm việc gì chỉ cần chú tâm vào việc mình làm thì đó là chân lý trong mọi hành động đưa đến sự an lạc, giải thoát.
Có người hỏi: “Vậy vừa niệm Phật vừa làm việc khác có được không?” Trả lời là: “Vừa niệm Phật vừa làm việc sinh hoạt đời thường thì càng tốt.” Vì khi làm bất cứ việc gì thì trong tâm thức vọng niệm cứ liên tục sinh khởi, ta làm mà không để tâm vào việc ta làm nên kết quả việc làm đó chưa đạt kết quả tốt, chưa được cao. Khi niệm Phật chú tâm vào danh hiệu Phật để đưa vọng niệm vào chỗ “Niết bàn vọng Tâm”, nghĩa là không để vọng niệm chi phối, mà chỉ còn duy nhất một niệm đó là Niệm Phật . Khi làm việc với nhiều vọng niệm hay làm việc với chỉ một chân niệm là niệm Phật thì kết quả tốt nhất vẫn là một niệm là niệm Phật đem lại, vừa an ổn tâm trí, vừa định tâm trong hành động việc làm thì đó là sự bình an trong tâm thức, sự thanh tịnh trong tâm trí, sự an ổn trong tâm hồn.
Và chân lý là bạn hãy sống và an trú tâm trong từng phút giây hiện tại, và mỉm cười với ánh dương ban mai, ngắm nhìn ánh hoàng hôn chiều tà, thả lòng nhẹ nhàng với cơn gió mát thoảng qua, hay thưởng thức mùi thơm của hương đồng gió nội quê hương….Và chân lý nằm trong điều giản đơn, sự giải thoát ở nơi tấm lòng bình dị.
Phật giáo và đời sống