Chào tất cả quý vị ngày mới an lạc !
Hôm nay quý vị có khỏe không? chúng tôi vẫn khỏe và an lạc trong Giáo Pháp của Đức Thích Ca.
Hôm qua chúng tôi có thoáng nghe mấy Phật Tử nói chuyện với nhau.
- “ Này bà, ông thầy Huấn trước kia tu ở chùa A. Ổng ra đời hai năm nay, giờ thấy cực khổ lắm. Đi tu mà ra đời là mắc đọa vậy đấy, đọa không ngóc đầu lên được”
Chắc đây là câu nói nghe rất quen thuộc mỗi khi nghe “các bà, các mệ” nói chuyện với nhau khi nghe một vị nào đó ra đời (Bắc Tông). Riết rồi nó cũng thành phổ ngữ dân gian, đến người cả đời không đến chùa mà khi thấy vị Xuất Gia nào đó ra đời cũng hay cười cợt và trêu đùa câu đó “đi tu mà ra đời đọa chết".
Sáng nay, chúng tôi dành thời gian nghĩ tưởng đến việc này, có đôi lời cùng đại chúng. Bài Viết chỉ nằm trong luận ý giới hạn hệ phái Bắc Tông, Các nước Phật giáo Nam Tông có hiến pháp lấy Phật Giáo làm Quốc Giáo thì việc xuất gia gieo duyên 2 năm rồi hoàn tục là quy chế bắt buộc đối với người 16 tuổi trở lên. Vị nào tiếp tục xuất gia thì tiếp tục còn không thì hoàn tục nhưng quy chế ít nhất phải xuất gia gieo duyên hai năm. Nên việc đó với những quốc gia đó là bình thường và nằm trong Luật Pháp nước họ. Đó là những nước như đã nói trên, bài viết này chúng tôi chỉ gói gọn về Bắc Tông VN!
Kính Thưa Qúy Vị !
Có năm người học trò cùng nhau lên đường đi thọ học với một vị Giáo Sư. Trong những ngày thân cận vị Giáo Sư, cả năm người đều học rất tốt và chăm chỉ. Sau ba tháng cùng học, có một người học trò vì cha mất, nhà không có anh em. Người học trò phải dừng lại việc học để về quê phụng dưỡng mẹ già. Còn lại bốn người học trò tiếp tục dùi mài kiến thức bên vị Giáo Sư uyên bác. Hai tháng sau, một cậu học trò nữa lại ra về vì không hợp tính với các cậu học trò khác và vì sự nghiêm khắc của vị giáo sư dạy mình. Cuối cùng, vì nhiều lý do chỉ còn lại một cậu học trò ở lại tham học với vị giáo sư đến cuối chương trình và thành tựu được nhiều sở học, kiến thức giá trị.
Lấy trên làm ví dụ, năm cậu học trò trên cho người hành trì xuất gia. Có những vị vì nhân duyên này hay nhân duyên khác hoàn tục. Còn lại tiếp tục Tu Học và gieo mình trong ngôi nhà Thiền môn đến trọn đời. Tất nhiên, quý ngài có túc duyên lâu đời được gởi trọn Thân và Tâm trong Phật Pháp là điều chúng ta vô cùng trân quý và đảnh lễ. Nhưng vì vậy mà có những lời không hay với những vị đã hoàn tục là điều không đúng trong tinh thần Phật Pháp. Vì sao vậy?
Thứ Nhất: Họ hoàn tục là “biết lượng sức mình”. Vì sao nói vậy, thử hỏi quý vị. Ví Như, những người học trò ko đủ trí lực để học theo vị giáo sư nữa, họ biết điểm dừng mà ra về vì bản chất họ không thể tiếp tục học được nữa, vẫn còn hơn việc ráng ngồi cho yên trường yên lớp mà ra chẳng được việc gì nên thân ngược lại còn đem cái kiến thức nửa vời đó đi “dạy đời”, há chẳng phải là hư càng thêm hỏng sao. Qúy vị hoàn tục cũng vậy, họ biết nhân duyên đến đó, trí lực đến đó nên họ trở về, vẫn còn hơn là giữ gìn được thân tướng nhưng tâm ý lại phàm tục, vô lối. Sao trách họ được?
Thứ Hai: Đức Phật dạy rõ về việc tùy duyên mà hóa độ, tùy cảnh mà ứng hiện thân tướng. Được thân tướng đầu tròn áo vuông để giáo hóa tất nhiên là việc đại công đức, việc phước không thể nghĩ bàn rồi. Nhưng còn những nơi Tăng không đến được, nơi đó ai giáo hóa kẻ ác hành thiện. Thân tướng thế gian với nhau họ sẽ dễ cảm thông nhau hơn. Như ngài Tiêu Diện Đại Sĩ, Đức Bồ tát Quán Thế Âm vì thương tưởng cô hồn đói khổ, sợ gặp Pháp thân Phật Bồ tát nên ngài Quan Âm hóa thân ngài Tiêu diện để thống lãnh chư vị cô hồn để trước ban thí thực, đưa họ vào đạo và ban bố Pháp âm cho họ. Nên thay vì trách móc quý vị hoàn tục, hãy cùng họ chung tay phụng sự đạo Pháp và nhân sinh, làm vị bồ tát giữa đời thường vậy, Vậy sao trách họ được?
Thứ Ba: Có nhiều vị nói, do họ ăn cơm đàn na tín thí nên ra đời bị đọa. Cách nói như vậy rất thiếu khách quan và có phần tiêu cực. Vì sao? Tổ dạy “ một ngày không làm, một ngày không ăn "tức là vấn đề công phu tu tập và công việc nơi chốn Thiền Môn. Một ngày không hành trì tu tập thì ngày đó sợ mắc nợ của đàn na tín thí nên ngày đó không ăn cơm. Quá trình ở chùa trước khi hoàn tục của những vị ấy, một ngày ít nhất hai thời công phu hành trì, cùng chung lo các việc Phật sự, nhất là giữ gìn chốn Thiền Môn mỗi ngày qua cùng với huynh đệ cho trang nghiêm. Phật tử tới sinh tâm hoan hỷ, vậy sao có thể nói họ mang nợ tín thí quá nhiều khi hoàn tục. Vậy quá trình tu tập và công quả nơi cửa Thiền của họ không có chút Phước nào sao. Vậy không lẽ mỗi lần quý Phật Tử đi chùa tu tập phước đức, về đến nhà lo chuyện gia đình là tiêu tán hết công đức sao Làm gì có chuyện ấy được, nên cũng không thể quy chụp rằng xuất gia hoàn tục là mang nặng nợ tín thí được. Vì quá trình tu học họ đã tạo nên phước đức để bớt gánh nặng cái nợ ân đàn na tín thí rồi. Nói chứ, có nợ thì cũng nợ chút chút . Chứ đến nỗi nào mình nói họ ngóc đầu không lên.... này nọ, tội lắm thay.
Còn nhiều ý lắm nhưng giờ bận quá nên tạm tổng kết đoạn này, hôm nào nói tiếp !
Rồi, tổng kết !
Vì nhân duyên, vì nghiệp lực mỗi người mỗi khác không ai giống ai được. Phật Tử chúng ta hộ trì Tam Bảo, hộ trì mạnh mẽ những vị có chí hướng xuất gia lìa tục. Nhưng cũng không nên quá nặng nề việc các vị hoàn tục. Vì mỗi người chúng ta dù Tăng hay tục, với ý nguyện phụng sự Đạo Pháp và nhân sinh đều có sự đóng góp rất lớn trong lý tưởng giải thoát giác ngộ của Đức Phật đến với nhân sinh. Góp phần xây dựng một thế giới tốt đẹp, một đất nước phồn vinh, một xã hội với nhiều thành phần con người nhưng với một lý tưởng tôn vinh cái đẹp, cái tốt trong mỗi chúng ta.
Hết giờ uống trà, xin kính chào quý vị, chúc quý vị ngày tốt lành và bình an.
Đồng Hoàng, Đà Nẵng 13-09-2020