GN - Mạng xã hội là công cụ được mọi người sử dụng để chia sẻ, kết nối. Ngoài những sự tích cực do mạng xã hội mang lại thì trên “mảnh đất” đó cũng có nhiều biểu hiện không tốt, trong đó có việc mạo danh Phật giáo, tu sĩ để làm xấu hình ảnh người tu, trục lợi, làm giảm uy tín của tự viện. Đó cũng là một trong những việc ảnh hưởng đến tổ chức Tăng-già, là Giáo hội, nên không thể xem thường.
Một trong những kiểu giả trang người xuất gia với những hành vi không phù hợp nhưng lại được phát tán và lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận ngộ nhận, chỉ trích Phật giáo một cách gay gắt - Ảnh: Internet
Nhiều kiểu giả danh
Giữa tháng 11-2019, chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3, TP.HCM) do TT.Thích Thanh Phong, UVTT HĐTS, Trưởng ban Kinh tế Tài chính T.Ư, Phó BTS Phật giáo TP.HCM làm trụ trì đã bị kẻ xấu mạo danh vận động tài chánh mổ tim. Bản tin trên Giác Ngộ online ngày 16-11-2019 cho biết, tài khoản “chùa Vĩnh Nghiêm” thông tin chương trình phẫu thuật tim miễn phí cho các bé bệnh tim khó khăn, Bệnh viện Chợ Rẫy cùng “bác sĩ Duc Thanh” thực hiện chương trình phẫu thuật tim miễn phí cho trẻ dưới 16 tuổi thuộc diện hộ nghèo.
Nhận được tin báo, TT.Thích Thanh Phong đã xác nhận với phóng viên báo Giác Ngộ: chùa Vĩnh Nghiêm không bao giờ lên Facebook kêu gọi, vận động tài chánh để làm từ thiện bất cứ chương trình nào.
Ngay sau đó, nhà chùa có động thái thông báo với Phật tử rằng, hiện nay đang có rất nhiều trang giả mạo trang Facebook của chùa Vĩnh Nghiêm.
“Chùa Vĩnh Nghiêm chỉ đưa tin Phật sự của chùa và không kêu gọi quyên góp hay vận động trên Facebook, nên bất cứ trang nào đưa ra các chương trình từ thiện rồi vận động quyên góp đều là giả mạo. Xin quý vị Phật tử cảnh giác và cẩn thận”, thông báo nêu rõ.
Trước đó, ngày 14-11-2019, chùa Vĩnh Nghiêm cũng phát thông báo khẳng định, Facebook chính thức và duy nhất của chùa tại địa chỉ https://www.facebook.com/chuavinhnghiem/.
Mới đây, báo Giác Ngộ nhận được một phản ánh của bạn đọc về một phụ nữ có nickname “Nhat Anh Thu” trong hình thức tu sĩ, tự xưng là “Cô cô”, đã có những hành vi phản cảm trên mạng xã hội. Tìm hiểu của báo Giác Ngộ, người này ở một tỉnh vùng Tây Nguyên, cư trú tại Đà Nẵng, không phải là tu sĩ nhưng ăn mặc như một ni cô.
Ngoài hình thức “đầu tròn áo vuông” thì “cô cô” Nhat Anh Thu đi dép cao gót, cầm phụ kiện là túi xách da, thậm chí còn đi nhà hàng ăn đám cưới, sau đó chụp hình lưu niệm với những tư thế phản cảm, không hợp với hình thức đang thể hiện (là tu sĩ). Nhiều bạn đọc tinh ý thì nhận ra ngay, đây không phải một tu sĩ mà chỉ là người giả mạo hình thức người xuất gia và có những hoạt động thế tục. Tuy nhiên, không ít người cũng nhầm tưởng, vội vàng có những kết luận: đúng là tu sĩ thời nay, ni cô tu hành kỳ cục…
Thậm chí, có những người “cả tin”, chỉ cần nhìn thoáng qua đã… mất niềm tin với Phật pháp, trong đó có những Phật tử sơ cơ vốn chưa hiểu nhiều về giáo lý và những sinh hoạt thiền môn thì có thể thối thất tâm Bồ-đề.
CTV Giác Ngộ tại Đà Nẵng sau khi tìm hiểu đã xác nhận, người phụ nữ tự xưng “cô cô”, ăn mặc và để hình tướng giống một sư cô kia chỉ là một người làm nghề bán hàng online, những sản phẩm liên quan Phật giáo. Vì không phải là tu sĩ trong danh bộ quản lý của BTS Phật giáo địa phương nên chư tôn đức lãnh đạo của Giáo hội TP.Đà Nẵng cũng không biết người này là ai.
Ứng xử như thế nào với hiện tượng này?
Như đã nói, hiện nay, người người nhà nhà dùng mạng xã hội. Các tự viện, chư tôn đức cũng có trang cá nhân để chia sẻ các hoạt động, hoằng pháp bằng việc chuyển tải bài giảng, nội dung liên quan giáo lý, góc nhìn Phật giáo. Như Báo Giác Ngộ cũng có fanpage chính thức tại địa chỉ https://www.facebook.com/GiacNgo.vn/, từ đó kết nối thông tin Phật giáo, nội dung Phật học với đông đảo bạn đọc trong, ngoài nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hồng Hải, năm 2019 dân số Việt Nam khoảng 97 triệu người, với 64 triệu người sử dụng internet, tăng đến 28% so với năm 2017.
“Có tới 58 triệu người dùng mạng xã hội trên thiết bị di động tính đến đầu năm 2019, con số này tăng đến 8 triệu người dùng so với năm 2018”, ông Hải thông tin tại Ngày Internet 2019 được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 11-12 năm ngoái.
Số liệu trên cho thấy, tiềm năng hoằng pháp, chia sẻ thông tin Phật sự trên mạng xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, hiện tượng giả danh Phật giáo để trục lợi, hoặc cố ý cũng như vô tình làm hoen ố hình ảnh tu sĩ, làm mất uy tín tự viện, Giáo hội chắc chắn khó tránh khỏi.
Vậy phải ứng xử như thế nào với hiện tượng này?
Về phía Giáo hội, thiết nghĩ cần có nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những bộ quy tắc trong việc sử dụng mạng xã hội đối với Tăng Ni, nhất là Tăng Ni trẻ. Thực tế, có nhiều vị tu sĩ khi sử dụng Facebook hoặc tham gia các diễn đàn đã không lường được hết những hình ảnh hoặc nội dung phát ngôn, kể cả like (quan tâm), share (chia sẻ) không cẩn thận, nên vô tình “tiếp tay” cho đối tượng cố tình xuyên tạc. Một bức hình chụp khi sinh hoạt bình thường dễ có những khoảnh khắc thiếu oai nghi - một trong những tiêu chuẩn cần thiết của một vị xuất sĩ mô phạm - dễ bị người xấu vin vào, “chú thích ảnh” với nội dung xuyên tạc, lái cái nhìn đi xa. Có thể khẳng định, chú thích ảnh là một kỹ thuật quan trọng định hướng một cái nhìn, tùy tâm người thực hiện việc đó.
Kỹ năng sử dụng mạng xã hội còn là biết xác minh thông tin bằng cách đối chiếu đa diện vấn đề, qua nhiều nguồn tin để không like, share tin giả cũng là một cách bảo vệ mình. Có nhiều Phật tử, hễ thấy người ta đăng hình Phật hoặc nói đây là lời Phật nói là like, share bất chấp, không cần biết đó là lời dạy trong kinh nào, có đúng là Phật nói không. Sử dụng mạng xã hội như vậy lợi bất cập hại, nếu không muốn nói là tai hại, trước tiên cho mình trong việc nhận thức, lan tỏa thông tin.
Trong công tác giám sát của mình, BTS Phật giáo các cấp cũng nên có những phản hồi tới cơ quan chức năng về việc giả danh, giả dạng tu sĩ, chùa chiền như hai trường hợp nêu trên. Thực tế, con số cho hiện tượng vừa nêu chắc chắn không chỉ là hai.
Hiện nay, đã có nhiều cá nhân nếu có phát ngôn hay việc làm gây phương hại đến danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức khác trên mạng cũng đã được pháp luật vươn tới, xử lý bằng nhiều hình thức. Phát tán tin giả cũng bị xử lý nghiêm, như trong mùa dịch Covid-19, theo thống kê của Bộ Công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Ngành công an cho biết đã xử lý 654 trường hợp tung tin sai sự thật về dịch Covid-19.
Xây mới khó chứ phá thì dễ, trong chốc lát. Đừng bỏ ngỏ một mảng sinh hoạt của người hiện đại hiện nay - là mạng xã hội - bởi vì trên đó, ngoài ứng dụng mang lại lợi ích cho đời cho đạo thì cũng có người lợi dụng nó để gây hại.
Cuối cùng là ý thức của người con Phật, là tỉnh thức và có chánh kiến để có thể nhìn thấy đâu thật đâu giả. Trong kinh Kalama, Đức Phật dạy, “Này người Kalama, các con chớ có tin điều gì chỉ vì được nghe điều đó nhiều lần; chớ có tin chỉ vì đó là truyền thống; chớ có tin bởi vì đó là lời đồn; chớ có tin bởi vì điều đó đúng với sách vở và kinh điển truyền tụng; chớ có tin bởi vì nó nghe có vẻ hợp lý; chớ có tin bởi vì điều đó phù hợp với một hệ thống triết lý, tư tưởng; chớ có tin bởi vì lý luận logic và suy diễn; chớ có tin bởi vì điều đó phù hợp với quan điểm của mình; chớ có tin bởi vì người nói điều đó có vẻ là người đáng tin; chớ có tin bởi vì người đó là thầy của mình”.
Học lời dạy này, không phải để ngờ vực tất cả mà để tìm và hiểu mọi ngọn nguồn trước khi tin, kể cả đó là lời Phật dạy. Làm được vậy thì mọi biểu hiện không thật trên mạng sẽ chẳng có giá trị gì với mình, không tác động tới mình và mình không bị lừa hoặc bị mất niềm tin vào chân lý - là giáo lý Phật-đà - chỉ vì “thầy đó, sư cô đó… thế này, thế kia”. Với người học Phật, “lấy Giới làm thầy” chính là căn bản phải khắc ghi…
Chánh Quán
Cần đặc biệt lưu tâm đến các hình thức giả sư, lợi dụng mạng gây ảnh hưởng Phật giáo
HT.Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Thông tin-Truyền thông đã nói vậy khi trao đổi với Giác Ngộ về việc lợi dụng mạng xã hội làm phương hại đến uy tín của cá nhân, tổ chức thuộc Phật giáo. Sau đây là cuộc trò chuyện ngắn với Hòa thượng:
Thưa Hòa thượng, hiện nay có một số người giả sư bán đồ trên mạng, hoặc kêu gọi làm từ thiện, chẳng hạn như vụ việc giả danh chùa Vĩnh Nghiêm kêu gọi từ thiện. Trong vai trò người đứng đầu ngành truyền thông, theo Hòa thượng, Giáo hội cần làm gì trước những vấn nạn lợi dụng mạng xã hội, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh tu sĩ, uy tín của nhà chùa…?
- HT.Thích Gia Quang: Trước hết, BTS các tỉnh, thành cần có văn bản thông báo về thực trạng giả sư bán đồ trên mạng để Tăng Ni, Phật tử và nhân dân cảnh giác. Giáo hội không có chủ trương cho chư Tăng Ni bán hàng online qua mạng, do vậy có thể kết luận đối tượng rao bán đồ trên mạng là giả sư.
Khoác áo tu sĩ đi quyên góp xây chùa hoặc bán nhang, khất thực phi pháp… cũng là những người giả sư - làm ảnh hưởng đến hình ảnh của tu sĩ và Giáo hội.
Trước đây Giáo hội cũng đã từng có chủ trương, ra công văn, thể hiện quyết tâm dẹp bỏ vấn nạn này, tuy nhiên nó vẫn tồn tại. Để vấn nạn này không xảy ra thì theo tôi, BTS Phật giáo các tỉnh, thành phố, thị xã, huyện cần có công văn và phối hợp với cơ quan chức năng địa phương mình, đề xuất phối hợp tuần tra, giáo dục, xử lý với các trường hợp giả dạng nhà sư đi khất thực, rao bán hàng trên mạng. Theo tôi biết, hiện nay đã có Luật An ninh mạng, xử lý một cách triệt để những hiện tượng lạm dụng mạng gây ảnh hưởng cá nhân, tổ chức, không chỉ riêng gì của tổ chức tôn giáo nào hay riêng với Phật giáo.
Hòa thượng có khuyến cáo nào với Phật tử trong việc tiếp nhận thông tin, hình ảnh liên quan Phật giáo trong thời công nghệ này?
- Phật tử sử dụng mạng xã hội nhiều nhưng không ít người chưa phân biệt được đâu là thông tin chính thống từ Giáo hội. Do vậy, hễ tiếp cận thông tin, hình ảnh na ná Phật giáo trên mạng thì đều cho là Phật giáo, dẫn đến việc bị kẻ xấu lợi dụng.
Phật tử chỉ tiếp nhận thông tin, hình ảnh Phật giáo trên các phương tiện thông tin chính thống của Giáo hội và các cơ quan báo chí được cấp phép. Hiện nay, các vị chức sắc, Tăng Ni, tu sĩ khi xuất gia đều đã được số hóa thông tin do Giáo hội của các tỉnh, thành quản lý nên việc truy xuất cũng không khó.
Tôi mong Phật tử cần tỉnh táo khi tiếp nhận thông tin từ mạng xã hội cũng như khi tiếp nhận thông tin và hình ảnh về người tu sĩ, nếu chưa được kiểm chứng thì không phát ngôn tùy tiện, không chia sẻ, bình luận các thông tin đó. Ngoài ra, khi phát hiện thông tin, hình ảnh, có nghi ngờ về một người nào đó là giả sư thì cần báo với cơ quan chức năng và Giáo hội tại các địa phương để xử lý.
Hữu Tình thực hiện
|