AN TRÚ BÂY GIỜ
Tối và sáng tôi vẫn hành thiền. Dù không đi chùa, không tham gia khóa tu, tôi cũng không thấy xa Phật.
Cấm túc, thực tập tôn giáo ở nhà những ngày này là một trải nghiệm mới với các Phật tử không chỉ tại Việt Nam. Nhờ cấm túc, tôi cảm nhận sâu sắc hơn việc Phật có ở mười phương.
Trước khi có công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày 27/3, yêu cầu tăng ni, Phật tử cấm túc, hạn chế tối đa di chuyển, nhiều chùa tại TP HCM đã thông báo "tạm đóng cửa". Chưa bao giờ, Giáo hội ra nhiều công văn liên tục với nội dung nhắc nhở liên quan tới sinh hoạt Phật giáo như vài tháng qua, kể từ sau Tết Canh Tý. Dịch bệnh đã khiến đời sống đảo lộn, sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh cũng không ngoại lệ.
Không riêng tôi cảm thấy chút buồn khi đi ngang các ngôi chùa nay cửa khóa then cài. Pháp Hỷ, bạn đi chùa nhắn tin "nhớ chùa" cho tôi trước. "Thực ra mình vẫn ổn, nhưng nếu không có dịch, hàng tối đến chùa sinh hoạt vẫn vui hơn", cậu nói. "Nhưng việc ngừng đi chùa lúc này cũng là thực hành từ bi đó", tôi an ủi bạn.
Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đệ nhất phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Phật giáo TP HCM, cũng là Tổng biên tập Báo Giác ngộ - nơi tôi đang công tác, ngay từ đầu năm đã nhắc nhở nhân viên về ứng phó dịch Covid-19. "Trong thực hành Phật pháp, niềm tin phải đi cùng trí tuệ", vị hòa thượng đã ngoài 80 nói. Hòa thượng nhấn mạnh, không phó thác mọi nguy nan vào bất kỳ ai, kể cả Đức Phật. Mỗi người phải luôn ý thức trong phòng chống dịch bệnh, nhất là tuân thủ các hướng dẫn y tế.
Chùa chiền tháng Giêng, Hai khi nào chẳng đông người, nhưng Trung ương Giáo hội đã kịp có công văn yêu cầu các chùa không tổ chức hoạt động đông người. Hình ảnh các thầy cùng Phật tử đeo khẩu trang thực hiện khóa lễ hồi đầu năm khiến nhiều người quan ngại "như vậy có làm giảm đi tính tôn nghiêm của nghi lễ Phật giáo?". Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngay sau đó đã giải thích, việc làm đó không thiếu tôn nghiêm, ngược lại giữ an toàn cho mọi người. Tôn kính Phật hay sự tôn nghiêm của nghi lễ là do tâm mỗi người có lòng thành hay không. Và việc thực tập đời sống tâm linh không chỉ gói gọn trong những hoạt động tại chùa, cơ sở tôn giáo. Hơn hết, người tu tập còn đem lời dạy của Đức Phật vào công việc, đời sống hàng ngày. Xây dựng, kiến tạo hạnh phúc cho tự thân và mọi người, chuyển hóa phiền não do dịch bệnh mới là cốt lõi của con đường học Phật, cũng là một đóng góp cho đời.
Khi diễn biến của dịch ngày càng phức tạp, trường Phật học cũng đóng cửa theo tinh thần chung. Tăng ni, Phật tử được khuyến khích ở yên một chỗ, tụng kinh, hành thiền, cầu nguyện tại nơi mình cư trú. Các khóa tu đều tạm ngưng, các Đại giới đàn - một Phật sự quan trọng của Phật giáo, truyền giới cho người xuất gia - lần đầu tiên cũng bị hoãn theo tình hình dịch. Trong Phật giáo, việc nhận diện "Phật tại tâm" rất quan trọng. Các vị giảng sư luôn nhắc nhở chúng tôi, ở đâu mình tiếp xúc được với Phật thì ở đó chính là chùa, ở đâu mà mình sống được với giáo lý Phật dạy thì đó chính là đạo tràng.
Dù theo tôn giáo nào, tạm ngưng sinh hoạt đông người đều là đóng góp cho nỗ lực kiến tạo bình an. Không ai có thể cứu mình nếu tự mình vượt qua cương giới an toàn. Tôi mới thấy hình ảnh Giáo hoàng một mình đứng trước quảng trường Thánh Pietro ban phép lành Urbi et Orbi hôm 27/3. Sự kiện này lần đầu tiên diễn ra trong mênh mông hoang vắng - một khoảnh khắc lịch sử khi Vatican phải cửa đóng then cài. Tôi cũng tự nhắc mình đừng như một bệnh nhân đã đem nCoV từ buổi lễ khoảng 16.000 người tham dự từ Malaysia về cho quê nhà. Tôi tự viết cho chính mình:
"Cửa chùa đóng vì dịch
Cửa đạo vẫn hanh thông
Phật tử thường quán niệm
Sống với lẽ vô thường".
Tôi tin tôn giáo nào cũng muốn kiến tạo điều lành bằng các con đường thực tập. Tuy nhiên, nếu việc thực tập đó chứa nguy cơ gây hại mà vẫn có ai đó cố làm thì họ đã đi ngược lại triết lý tốt đẹp ban đầu.
"An trú bây giờ, an trú ở đây", một câu trong thiền ca Làng Mai lúc này được chúng tôi đem ra nhắc nhau. An với chỗ mình ở, việc mình làm, không tụ tập dù với mục đích gì đi nữa. Uyển chuyển đời sống tâm linh theo cuộc sống thực tại chính là một cách thực tập mang tinh thần "thương yêu có hiểu biết" như lời Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Nếu bạn không thể đi ra ngoài, hãy đi vào bên trong.
Lưu Đình Long