Nếu bạn đang định làm một cái gì đó, tại sao không làm ngay từ bây giờ? Các nhà địa chất học cho biết một sông băng được mệnh danh là "Ngày tận thế" ở Nam Cực đang sắp tan đến điểm tới hạn.
"Tipping point", thuật ngữ để chỉ điểm tới hạn này có nghĩa là nếu sông băng tan vượt ngưỡng đó, nó sẽ kích hoạt một chuỗi các vụ tan chảy không thể ngăn cản nổi. Kết quả là toàn bộ dải băng ở Tây Nam Cực sẽ đổ xuống đại dương, làm dâng nước biển lên hàng mét và nhấn chìm nhiều thành phố ven biển.
"Đường bờ biển của chúng ta hiện nay, tới lúc đó, sẽ không khác gì so với khoảng không vũ trụ", Robert DeConto, một nhà băng học tại Đại học Massachusetts cho biết. "Đó sẽ là một sự thay đổi mang tính toàn cầu".
Rõ ràng, có lý do để người ta đặt biệt danh cho sông băng này là "Ngày tận thế".
Sông băng mà chúng ta đang nói tới có tên gọi là Thwaites Glacier. Nó là một khu vực ở Nam Cực có diện tích 190.000 km vuông, gần bằng toàn bộ miền bắc Việt Nam. Các nhà khoa học để ý đến thềm băng này là bởi hàng năm nó đóng góp vào tới 4% tổng lượng nước biển dâng trên toàn thế giới.
Hơn nữa, sự ấm lên của đại dương đang làm xói mòn vào chân của thềm băng này, khiến nó có nguy cơ mất toàn bộ phần móng bám vào lục địa Nam Cực từ giờ cho tới hết thế kỷ.
Sự kiện xảy ra với Thwaites Glacier sau đó có thể kích hoạt một thảm họa mang tính sử thi với nhân loại. Vì vậy, các nhà khoa học đang tích cực chạy đua để viết những chương cuối đánh dấu biến cố biên niên sử đó.
Mới đây nhất, trong một báo cáo tại hội thảo thường niên của Liên minh Địa vật lý Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu tại Đại học Oregon cảnh báo sự kiện sụp đổ của Thwaites Glacier có thể tới sớm hơn chúng ta mong đợi.
Dữ liệu vệ tinh và các cuộc thăm dò địa chất cho thấy các phần của sông băng Thwaites đang biến mất với tốc độ 2 km mỗi năm. "Nếu đứng trên tảng băng này và nhìn ra xa, đường chân trời mà bạn thấy đang gần lại mỗi năm một dặm đường", Ted Scambos, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Hợp tác Khoa học Môi trường Hoa Kỳ cho biết.
Khảo sát mới nhất cũng cho thấy nước ấm đã thấm sâu vào bên dưới lòng sông băng. Sự ăn mòn của nước đã tạo ra những vết nứt lớn. Lizzy Clyne, một nhà nghiên cứu tại Đại học Lewis & Clark cho biết có một khu vực đặc biệt trên Thwaites từng gắn nó với lớp băng nền nhưng bây giờ đã biến thành một cái hốc khổng lồ.
Nước biển ấm thấm sâu vào lớp băng trong lòng Thwaites có nghĩa là phần móng của nó đang ngày càng yếu dần đi. Điều này có thể dẫn đến những dứt gãy và gia tăng số lượng các vết nứt xuất hiện.
Cuối cùng, nó có thể khiến toàn bộ thềm băng sụp đổ. Và sự sụp đổ của Thwaites không chỉ khiến bản thân nó biến mất, mà còn kéo theo sự sụp đổ của các khu vực xung quanh. Đó là lý do sông băng này được mệnh danh là "ngày tận thế".
Erin Pettit, một nhà băng học tại Đại học Oregon đã chọn một trong những khu vực có vẻ như vững chắc nhất phía đông sông băng Thwaites để nghiên cứu. Trong suốt nhiều năm, Pettit cho biết đây là công việc buồn chán bởi hầu như chẳng có gì xảy ra ở phần này của Nam Cực.
Nhưng hình ảnh vệ tinh mới nhất đã khiến Pettit giật mình khi phát hiện một vết nứt trên đó. Cô ví nó như một vết nứt trên kính chắn gió phía trước xe ô tô. Mới đầu trông nó có vẻ vô hại, nhưng vết nứt sẽ lan dần ra và cuối cùng khiến chiếc kính vỡ vụn.
"Thềm băng phía đông này đang đứng trước nguy cơ vỡ ra thành hàng trăm mảnh", Pettit nói. "Sự sụp đổ đó có thể đến trong một khoảnh khắc".
Nhưng trong khi bạn có thể thay kính chắn gió cho xe của mình, không có một dịch vụ sửa chữa nào nhận thay gần 20 vạn km vuông băng ở Nam Cực.
Nếu nó đổ xuống đại dương, sông băng Thwaites có thể kích hoạt một chuỗi domino của cả thềm băng và các vách băng lớn phía Tây Nam Cực. Điều này sẽ khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên 3 mét và đặt cả thế giới vào một quỹ đạo nguy hiểm.
Câu hỏi lớn lúc này là thời gian còn lại khoảng bao lâu? Scambos cho biết mọi thứ đang tiến triển rất nhanh ở Nam Cực. Có thể sông băng Thwaites sẽ vượt qua điểm tới hạn của nó trong khoảng 3-5 năm tới.
"Trong chưa đầy một thập kỷ, chúng ta sẽ chứng kiến một sự thay đổi đáng kể với mặt trước của sông băng này. Khi điều đó xảy ra, phần dòng chảy xiết của Thwaites có thể mở rộng ra vì hệ thống giằng ở phía đông có thể đã biến mất. Các quá trình tiếp theo sẽ xảy ra trong vòng vài thập kỷ", Scambos nói.
Đó rõ ràng là một tin xấu để thế giới bắt đầu phải lo lắng. Thwaites có thể là một sự kiện lớn tiếp theo xuất hiện trong các cuốn sách giáo khoa về lịch sử địa chất. Thế hệ chúng ta sẽ là những người phải chứng kiến nó và chịu các tác động nặng nề của nó.
Tham khảo Gizmodo, Washingtonpost