Vô thường, Dukkha, Vô ngã

Thứ tư, 18/03/2020, 10:24 GMT+7

     Thưa thầy,

     Con là Tâm Hương, Phật tử ở Bà Rịa-Vũng Tàu. Con có nghe một số bài thuyết giảng của thầy ở Úc và ở Mỹ, và mới đây là tại Viên Không Ni; khi nhắc đến Tam Pháp Ấn thì thầy thường nói Vô thường, Dukkha, Vô ngã - mà không nói Vô thường, Khổ, Vô ngã như kinh điển hoặc như các vị pháp sư, giảng sư khác. Hôm tại Viên Không Ni thầy có nói sơ nên con vẫn chưa sáng tỏ.

     Mong thầy từ bi chỉ giáo!

     Con cảm ơn vô cùng.

hoa-sen

     Trả Lời:

     Cảm ơn câu hỏi của con vì câu hỏi này sẽ lợi ích cho nhiều người.

     Sở dĩ thầy để nguyên từ Dukkha mà không dùng chữ Khổ là vì từ Dukkha rất khó dịch cho lọn nghĩa. Ai cũng dịch là Khổ, Khổ là đúng rồi nhưng nội hàm Dukkha ngữ nghĩa rất lớn rộng, không thể gói gọn trong chữ Khổ được.

     Thầy nói một câu là con hiểu ngay: Dukkha là Khổ nhưng Lạc cũng Dukkha. Con đã thấy chưa?

     Bây giờ thầy sẽ giải thích rộng đây:

          - Tất cả những biến đổi nơi thể xác của ta từ sanh, già, bệnh, chết cho đến đau nhức, êm ái, dễ chịu, khổ, lạc... thì chúng là Dukkha.

          - Tất cả những biến đổi tâm lý như thương, yêu, ghét, hận, thích thú, chán chường, hỷ, ưu... thì chúng là Dukkha.

          - Tất cả những ước mơ, ước vọng, hy vọng, tuyệt vọng; những tầm cầu không với tới, những lý tưởng không thoả nguyện, những trạng huống trái ý nghịch lòng... thì chúng đều là Dukkha.

     Nói tóm tắt, cô đọng là những biến đổi, thay đổi ở nơi Thân, nơi Tâm và nơi Trí đều là Dukkha cả.

89._Tam_Phap_Yn_-_1

     Con ạ! Người tu thiền quán, minh sát họ rất rõ những điều thầy vừa nói nên những gì xẩy ra nơi Thân, nơi Tâm và nơi Trí họ đều ghi nhận Như Thực. Họ thấy rõ sự sanh diệt của chúng; nó đến như vậy, nó trụ như vậy, nó đi như vậy; và đúng là Vô thường, Dukkha và Vô ngã phải không con?

     Hãy suy ngẫm đi con nhé!

     Mong con Thấy Pháp!

Sư Giới Đức.

Ý kiến của bạn