Tu Từ Nhỏ

Thứ tư, 08/08/2018, 17:10 GMT+7

          Tu thì có hai bậc 1 là tại gia, 2 là xuất gia mà tại gia thì tu ở đâu cũng được miễn có tu là được, còn xuất gia thì phải ở chùa, phải cạo đầu và mặc đồ nâu hay lam, vàng - còn tím với hồng thì sau này thấy đâu đó tự thêm vào nhưng miễn đơn giản, bình dị là được.

        Còn nhỏ mà đi tu thì cũng có những nỗi khổ riêng âm thầm của nó nhưng ít người thấu hiểu với những nỗi niềm đầy tâm sự.

        Khi thương thì gọi là chú tiểu, tiểu ni, nhưng đến khi hổng vui thì lại gọi là ông tiểu, bà tiểu, ông điệu, bà điệu.... Rồi khi thương thì bảo là do có phước báu căn tu nhiều đời này nọ hay do đời trước là Hoà thượng gì gì đó nên phát nguyện tái sanh trở lại ta bà hoá độ quần sanh – nghe thấy mà mát lòng mát dạ - nhưng tới hồi hổng vui thì bảo là do ăn ở, do hoàn cảnh, do cha mẹ bỏ trước cổng chùa này nọ chứ mới nhỏ xíu đó thì có biết gì đâu mà kêu giác ngộ với tu hành… - kêu trời – trời có thấu.

        1. Hồi đó đi học mỗi lần tới kỳ thi thì mấy đứa bạn luôn kêu mở bài làm ra cho copy, vì lòng từ bi không vị kỷ vốn có của người xuất gia học Phật và cũng để tránh hoạ tai tiếng về sau là tu hành rồi mà còn ích kỷ, keo kiệt nên cũng hoan hỷ lén lén mở bài ra cho tụi nó chép, chép một cách say mê như phân đoạn cổ tích lúc em Cám có nhiêu chuốt hết tôm tép của chị Tấm về riêng cho mình vậy, nhưng đến khi bị giám thị phòng thi phát hiện thì mời lên chữi một trận kinh thiêng động địa với trăm điều thị phi tai tiếng: - Đi tu rồi mà còn gian dối, còn si mê và thiếu lòng trung thực; nói xong còn cho mời sư phụ lên làm việc với trăm điều đắng cay tủi nhục mà chỉ một mình mình cam chịu để tự an ủi với lòng mình rằng: thôi đi tu rồi nên nhẫn nhục và hy sinh một chút để cứu giúp chúng sanh muôn loại cũng chẳng sao.

        Nhưng đến lượt mình ú ớ không biết làm nên cố đưa mắt liếc dọc liếc ngang như ra hiệu cậy nhờ để biết đâu có một ai đó thương tình mà rang rộng vòng tay giúp đỡ trong lúc ngặt nghèo này thì hỡi ôi! tụi nó hững hờ liếc nhìn trả lời như đầy am hiểu về Phật pháp: Đi tu rồi mà hổng có trí tuệ à – ráng mà vận dụng thần thông như Tề thiên đại thánh đi ha – rồi ung dung cầm bài đi nộp, nhìn mấy đứa bước đi mà lòng vừa buồn, vừa ức như muốn vỡ oà cảm xúc đầy sân si rồi khóc nghẹn mà chép nguyên bài chú Đại Bi và Vãng sanh chú (A Rị Đa Bà Dạ) rồi đi nộp – hy vọng tối nay cô giáo lúc chấm bài sẽ có thêm phần công đức khi vô tình đọc được lời kinh thiêng – xỉu.

        NGHĨ: Hiền chứ hổng phải là khờ, hổng biết gì, nhưng tu rồi nên nhẫn nhịn một chút cho cuộc đời thêm tươi đẹp vậy thôi.

29793734_1747023078716634_1500646828599672832_n

        2. Lần nào ra chơi mấy đứa bạn ai cũng hí ha hí hững chạy về căn tin ăn cơm gà chiên giòn, mì tôm, bánh tráng trộn, đứa nào cũng chen lấn để tranh thủ lấy thức ăn sớm để còn vào giờ học, mình cũng lấn chen, cũng với gọi như ra hiệu mình là người đến trước nhưng mỗi lần kêu la ó ó như mấy đứa bạn đang mua hàng là bị bà chủ căn tin kêu ra dạy bảo (chắc là Phật tử có quy y): - Là người xuất gia nên chú phải giữ oai nghi tế hạnh, chứ chú đâu được phép kêu la như mấy đứa bạn của chú được, thế là mấy lần sau tôi lủi thủi một mình chánh niệm đứng sau ót, rồi cũng không kêu, không la và cũng không với gọi như mấy lần trước để cô chủ căn tin kiêm Phật tử có thêm tín tâm với đạo Pháp, nhưng đến khi tới lượt mình mua thức ăn thì chuông vang báo hiệu hết giờ phải vào lớp, cô nhìn tôi, tôi nhìn cô mà lòng đầy sôi sụt với hai mắt lờ đờ vì đói mà với gọi: - Cô ơi! Cơm con đâu, con đói quá – câu nói y như trong mấy tập phim ma ở phân đoạn biểu cảm nhất: - Trả mạng lại cho ta – trả mạng lại cho ta - rồi “Vừa đi vừa khóc” như để quên đi thực tại khổ đau.

        Sau lần này, mỗi khi thấy tôi đến là cô luôn làm thức ăn trước, mặc dù nhận lại không ít những lời ganh ghét, hơn thua của đám bạn cùng lớp: - Ủa đi tu là có quyền ăn cơm trước kẻng hả - rồi tụi nó cười. Nhưng bù lại, cơm cô làm thì đúng chất tu hành khổ hạnh vì chỉ toàn là cơm trắng với muối tiêu, còn mì tôm thì đúng là mì chứ hổng có tôm, vì theo như cô tìm hiểu, nghiên cứu và phân tích thì trong gia vị của mì thì phải có tôm nên người ta mới gọi là mì tôm, có lần tui trợn tròng mắt nhìn cô bảo: - Cô ơi! Ngán quá, lạt và khô quá nuốt không nỗi. Cô đưa mắt sang nhìn trong vẻ sân si đáp: - Chứ chú muốn ăn cao lương mỹ vị à, tu hành mà đòi hỏi vậy thì biết chừng nào mới đắc đạo hả trời.

        Nghe vậy, tôi cũng ráng đưa miệng lên cãi: - Tu thì tu cả đời, chứ đâu phải một ngày một bữa, ăn như vậy sức đâu học, sức đâu tu – rồi tôi khóc ức mà bỏ chạy về lớp luôn hổng thèm ăn nữa vì thấy tủi thân.

        Và cũng từ đó mà mỗi lần cô chủ căn tin đi chùa tụng kinh tối là tôi hỗng thèm nhìn cô nữa, vì mỗi lần nhìn cô là trong đầu tôi lại xuất hiện nguyên một dĩa cơm trắng với muối tiêu hay tô mì nguyên chất với nước sôi bồng bềnh đầy ngán ngẩm mà tự than oán với lòng mình rằng: - Cô ơi! Nhớ nhé - cơm cho người tu chứ không phải cơm cho tử tù chờ ngày hành quyết mà sợ hao - sợ tốn.

        NGHĨ: Mình ăn được thì người khác ăn được, còn mình ăn hổng nỗi, nuốt hổng vô mà thích làm cho người khác ăn rồi bảo tu với hành là phải thế này, thế nọ thì hổng được đẹp à nha.

        Ở đời không cần cái gì cũng biết cũng am hiểu, nhưng tâm lý thì phải biết một chút để dễ sống, dễ đối đãi với người ta.

        3. Cái gì cũng khờ, cũng hồn nhiên nên cái Tivi trắng đen ở chùa đã dần trở thành công cụ quan trọng với chức năng kết nối hữu hiệu nhất giữa đạo và đời như hoà quyện vào nhau, về những sắc màu lung linh của thế giới bên ngoài âu - á mà vốn dĩ tôi cũng như các chú ở chùa ai cũng rất cần để tìm tòi học hỏi và trưởng thành thêm lên.

        Nhưng không hiểu sao có lần bị sư huynh lớn tịch thu luôn cái Tivi không cho xem nữa chỉ vì lý do - Tivi sẽ khiến các chú loạn tâm chướng ngại trong việc tập trung vào chuyện thực hành thiền định quán chiếu nội tâm. Tôi thầm nghĩ: “Có khi nào sư huynh mới đi khám bệnh về phát hiện nan y giai đoạn cuối gì gì đó nên bất mãn cuộc đời không trời – rồi tôi thầm cười” và cũng từ đó tôi và những người huynh đệ ai cũng bị dần dần có cảm giác như mình không biết gì và lạc lõng quê mùa khi tiếp xúc với những người chung quanh.

        Ai nói gì ra mình cũng cho là lạ lẫm, khó hiểu và như thế này là thế lào (nào)…nhưng ai cũng ngại không dám hỏi, hay thắc mắc gì?

        Lớn lên một chút hồi vào học Phổ thông, tôi nghe mấy đứa bạn kể về chuyện đi quán Bar vui lắm, vô trong đó là được sống hết mình với cảm xúc thăng hoa, tôi nghe kể vậy thấy hào hứng quá nên bảo với mấy đứa bạn là bữa nào có đi thì cho tôi xin đi ké, tụi bạn nó nhìn tôi với cặp mắt tròn xoe bảo: - Biết ở đó là nơi nào không mà đòi vô thử – tôi vội trả lời – thì nghe các bạn nói trong đó vui lắm và sống hết mình với cảm xúc thăng hoa gì gì đó – tụi nó oà nhau cười và bảo: - Thôi đi ông! Đúng là đi tu riết rồi nên quê mùa không hiểu biết – ông mà vào đó là chắc banh nóc chùa – cho tới sau này khi có mạng Internet tôi mới hiểu câu nói của mấy đứa bạn hồi xưa, thật sự banh nóc chùa thiệt vì nghe đâu là: Lên là lên là lên là lên - lên nóc nhà là bắt con gà – lắc cái đầu là lắc cái đầu – cho sạch gầu là cho sạch gầu – hãi - xin cho hai chữ bình yên.

        Mà bây giờ cũng nhờ có mẹ Google nên hổng biết, hổng hiểu gì về đời mà ngại hỏi với người thế gian là tui cứ vào xin mẹ cho ý kiến và lời khuyên – con phải sống sao hả mẹ, chứ lớn rầu mà ai nói gì cũng ngơ ngơ nhìn nhau cười như đầy tâm đắc và trí tuệ.

        NGHĨ: Ở đời cái gì cũng ở mức tương đối là được, con dao là vật dụng mà ta mang ơn mỗi ngày vì nó cho ta được những bữa ăn ngon, nhưng đến khi ta mang nó đi hại chết một mạng người thì nó lại trở thành một kẻ tội đồ khiếp sợ.

        Cũng vậy, không ai có quyền bắt bạn phải quay lưng lại với sự tiến bộ văn minh của loài người vì nó là quyền được thừa hưởng, quyền được sống đúng với thế kỷ 21 này mà thế hệ cha ông có muốn cũng chẳng bao giờ có được. Vậy vấn đề là ta phải sử dụng và tiếp cận chúng làm sao để giống như con dao kia sẽ trở thành người bạn hữu đường xa ở những lúc gập ghềnh chứ không vì nguy hại hay thế này hay thế nọ mà cấm, mà quay lưng với thực tại - thì e sau này sẽ khù khờ, sẽ mặc cảm với người ta.

        Một khi tâm tánh đã hư thì bỏ vào chốn núi rừng cũng hư, còn khi đã lành thì chốn phồn hoa đô hội vẫn là lành và có khi còn trở thành những bậc kỳ tài xuất chúng nếu có đủ điều kiện trợ duyên và dưỡng nuôi đúng cách.

        Vì vậy, tôi luôn dành trọn lòng thương kính và thấu hiểu những huynh đệ có phước duyên được đi tu từ nhỏ - vì ở đó tôi đã thấy được hình ảnh của mình, ở sự nỗ lực và vượt qua tất cả chỉ vì ham học, ham tu như cả cuộc đời chỉ để “làm dâu thiêng hạ”.

        Xin nhận ở đây sự kính trọng và sẻ chia sâu sắc nhất.

        Không có gì là đúng - sai mà tất cả chỉ là quan điểm.

                                                                                                                                                                                                        Giác Minh Luật

                                                                                                                                                                                                     Sài gòn, 05/04/2018.

Ý kiến của bạn