Trầm cảm: Biết thương, biết vượt qua

Thứ sáu, 15/11/2019, 19:56 GMT+7

    Những ngày vừa qua, có lẽ những người yêu quý K-pop vẫn chưa hết xót xa vì lựa chọn khép lại vĩnh viễn cuộc đời ở tuổi 25 của Sulli Choi, ca sĩ, diễn viên Hàn Quốc. Trước đó, năm 2017, Kim Jong Hyun cũng khiến làng giải trí châu Á đau buồn khi kết thúc đời mình ở tuổi 27 rực rỡ. Và còn rất nhiều cái tên nổi tiếng trên thế giới từng chọn cho mình cái kết tương tự khi đang ở đỉnh cao.

    Những kết cục bi thảm này đã được dự báo trước, và chúng có cùng chung một thủ phạm mang tên Trầm cảm.

    Là một trong những rối loạn tâm lý phổ biến nhất, không phân biệt tuổi tác, giới tính, chủng tộc, văn hóa hay nghề nghiệp, trầm cảm có thể tấn công bất cứ người nào vào bất kể thời điểm nào trong đời, bất chấp cả việc bạn là người bản lĩnh và đang sống hạnh phúc. 

tramcam.jpg

    “Trầm cảm không phải là bạn thấy buồn vì mọi thứ không theo ý mình, mà thấy buồn mặc cho mọi việc vẫn diễn biến tốt đẹp”. Thomas F. Oltmanns đã định nghĩa như vậy về trầm cảm trong Abnormal Psychology. Trầm cảm làm thay đổi cảm xúc, nhận thức, sinh lý cơ thể và hành vi. Những triệu chứng thường gặp của trầm cảm có thể là tâm trạng buồn bã, lo lắng tới hoảng loạn, cảm giác “trống rỗng” kéo dài; cảm giác tuyệt vọng, hoặc bi quan; dễ nổi nóng; cảm giác tội lỗi, vô dụng, hoặc bất lực; suy giảm trí nhớ; không còn cảm thấy hứng thú, vui vẻ với những người, những việc mình từng cho là thú vị; rối loạn giấc ngủ; đau đầu, rối loạn nhịp tim…; thường suy nghĩ về cái chết, hoặc có ý định tự sát.

    Vì trầm cảm có những diễn biến tâm lý, thể chất phức tạp như vậy, nên những người chưa từng sống chung với trầm cảm sẽ không bao giờ có thể tưởng tượng được những cảm xúc khó chịu và những ám ảnh kinh hoàng do căn bệnh quái ác này mang lại, cho dù họ có được nghe miêu tả rõ ràng tới đâu. Hơn nữa, người bị trầm cảm luôn có xu hướng che giấu tình trạng thực sự, cảm xúc thật của mình, luôn cố gắng sống như một người bình thường. Họ vẫn làm việc, tham gia các cuộc chơi, chăm sóc người thân, vẫn vui cười, thậm chí ca hát… Không ai biết nỗi đau đớn của họ, chỉ họ mới biết trong lòng họ đang diễn ra những gì. Họ nghe nhiều lời khuyên nhưng đa số những lời khuyên khiến họ càng thêm áp lực và sợ hãi. Nhiều người trong số họ biết mình cần phải làm gì nhưng họ bất lực. Bạn có biết cái cảm giác của một người bị rớt xuống cái hố sâu đen thẳm, phía trên có một cái thang để có thể leo ra khỏi miệng hố nhưng nó lại ở quá cao? Họ cố gắng nhảy lên, cố vươn cánh tay quào đất với cái thang, quào tới rướm máu, tới kiệt sức, nhưng không sao với tới được, và rồi họ rũ gục xuống, kêu những tiếng cuối cùng trong bất lực và tuyệt vọng, chỉ có một mình, mãi mãi. Còn những người quen biết họ thì cứ đứng đâu đó quanh miệng hố, bàn tán về họ, không nhận ra việc phải làm ngay là giúp họ nối dài hơn cái thang, mà mải nói họ cố lên, cố nữa lên, trách họ sao kém cỏi quá vậy.

    Người trầm cảm ít có xu hướng tìm kiếm sự giúp đỡ hay thừa nhận bản thân đang có những triệu chứng trầm cảm, vì một là họ đánh đồng hành động đó với sự yếu đuối, thất bại; hai là những người được chia sẻ thường không hiểu được tình trạng thật sự của người bệnh (vì bên ngoài người bệnh vẫn tỏ ra mạnh mẽ, vui vẻ), thậm chí người ta còn có những suy nghĩ thiếu thiện cảm với người bị trầm cảm, như cho rằng họ đang nghiêm trọng hóa vấn đề, bi quan, sống vô trách nhiệm, yếu đuối…, từ đó đưa ra những lời khuyên là “kẻ thù” của trầm cảm như: “hãy mạnh mẽ lên, lạc quan lên”, “anh như thế còn khá hơn nhiều người khác”, “tại anh nghĩ vậy thôi, không nghiêm trọng thế đâu”, “hãy thực hiện lòng biết ơn, trách nhiệm của mình đi” v.v... và v.v...(thay vì chỉ cần nói: bạn không chỉ có một mình. Tôi luôn ở bên bạn. Tôi luôn sẵn sàng nghe bạn nói…).

    Chính sự vô tình do thiếu hiểu biết đó của những người xung quanh đã khiến người trầm cảm càng muốn rời xa tất cả. Họ thu mình lại giữa chốn ồn ào, trở nên lầm lũi và hết sức mong manh. Họ như những con ốc hàng ngày kéo lê cái vỏ bọc nặng nề nhưng dễ vỡ mà chính mình tạo ra để bảo vệ bản thân khỏi những lời nói, hành động vô tình hoặc cố ý gây sát thương. Một số người thì cố tìm cách vượt qua những ám ảnh mặc cảm, tự ti bằng cách thả trượt mình trong những cuộc say sưa vô định hòng mong những cảm giác mạnh hời hợt bên ngoài sẽ khỏa lấp nỗi cô đơn, sợ hãi bên trong (Sulli Choi là một ví dụ điển hình). Tất cả chỉ là những loay hoay tìm kiếm trong bóng tối, trong cô đơn đến tận cùng và càng khó khăn hơn để họ có thể tìm thấy một cách chữa trị hợp lý cho căn bệnh của mình.

tram_cam_anzx

    Tháng 6 năm 2018, Anthony Bourdain, ẩm thực gia lừng danh người Mỹ cũng khiến cả thế giới bàng hoàng vì tự kết liễu đời mình trên đỉnh cao viên mãn của sự nghiệp và giữa ngổn ngang của những dự án lớn. Bản lĩnh và thành công là vậy, nhưng cuối cùng ông cũng đã thất bại trong cuộc chiến thầm lặng nhiều năm với con quái vật Trầm cảm.

    Khi thế giới vận hành và thay đổi với tốc độ vũ bão cũng chính là lúc thế hệ trẻ phải đối mặt với nhiều thử thách, áp lực nhất, và trở thành đối tượng có nguy cơ trầm cảm cao nhất. Người mắc bệnh trầm cảm có thể chạm đến mức cực kỳ đau đớn, và quá sức chịu đựng. Nhiều người có thể vượt qua những cảm xúc này, và tự mình thoát khỏi trạng thái trầm cảm tạm thời, nhưng nhiều người lại không thể. Khi sức chịu đựng không còn nữa, họ chỉ còn một lựa chọn là kết thúc nỗi đau đó bằng cách tiêu cực nhất.

    Trước sự ra đi đột ngột của Sulli Choi, có nhiều cách nhìn nhận khác nhau: người thì tiếc nuối, người thì trách móc, kẻ nói đáng đời… Nhưng xét cho cùng, cô ấy chỉ đáng thương. Suốt bao năm vật vã chống chọi với trầm cảm, người thân và bạn bè của cô ấy đã làm gì, ở đâu? Chẳng lẽ họ vô tình tới mức không nhận ra cả những dấu hiệu cho thấy cô ấy không còn thiết tha với cuộc đời? Cái “thế giới” đã từng phủ lên mình cô ấy ánh đèn màu rực rỡ và những lời tung hô, ngợi ca có cánh, đã có trách nhiệm gì khi chứng kiến chính cô ấy bị những hư danh phù phiếm đó xô xuống vực thẳm? Cô ấy đã được học quá nhiều thứ để sớm trở thành một ngôi sao nhưng lại không được trang bị chút kiến thức nào để tồn tại giữa vũ trụ.

    Giờ thì chúng ta có thể hiểu tại sao nhà văn, nhà tâm lý học người Mỹ Andrew Solomon đã phải gọi Trầm cảm là Quái vật (trong The Noonday Demon). Ai cũng có thể trở thành nạn nhân của quái vật câm lặng này. Vì vậy, hãy trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ nhất về trầm cảm để có thể mở lòng yêu thương, chia sẻ với những người thân của mình khi họ bị trầm cảm. Giao tiếp với người trầm cảm là cả một nghệ thuật sống, đòi hỏi không những sự hiểu biết và tình thương mà còn là sự tinh tế, nhẹ nhàng. Nếu không thể cho họ cái thang thì ít nhất, hãy cho họ biết rằng bạn luôn ở bên cạnh họ, mỉm cười với họ và cùng họ đi tới cái ngày mà họ đã đủ mạnh để vượt qua.

    Hãy hiểu biết về trầm cảm để có thể sớm nhận diện nó khi nó tới với mình, tự tay tạo ra những bậc thang cứu mình thoát khỏi cái hố sâu bi kịch ngay cả khi bên cạnh ta chẳng có ai. Khi đủ hiểu biết, ta sẽ nhận thấy con “quái vật giữa ban trưa” đó hoàn toàn có thể bị chinh phục bằng trí tuệ, bằng niềm tin và sự kiên định của chính chúng ta.

    Vậy đâu là con đường vững chãi nhất, an toàn nhất giúp người trầm cảm tìm được sức mạnh để khỏi gục ngã, để có thể tự đứng lên và đi tiếp? Đó chính là Thiền định.

    Trước tiên, cần phải nhận biết được rằng trầm cảm chính là kết quả của trạng thái bất an kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, bất an ngay cả khi “mọi chuyện đang diễn ra tốt đẹp”. Đức Phật đã dạy rằng: khi phát hiện tâm bất an thì phải dành mọi sự ưu tiên cho nó. Ưu tiên ở đây không có nghĩa là ta phải ăn ngon, mua cho mình những món đồ đẹp, phải đi vũ trường thâu đêm, uống rượu, bia, lên Facebook “tám” chuyện giải khuây hay phải có những chuyến đi chơi xa. Tất cả những thứ đó chỉ là những điều kiện vay mượn từ bên ngoài nhằm để thỏa mãn tạm thời cho thân. Khi lao vào các cuộc vui quá đà hay tham gia quá sâu vào mạng xã hội, ta sẽ vô tình chuốc thêm vào mình những mối quan hệ phức tạp, những cảm xúc bất như ý, làm tâm phải gánh thêm những vọng tưởng, phiền não. Tương tự, khi lên rừng, xuống biển, tâm ta thậm chí còn phải bận rộn hơn với việc thu thập những dữ liệu mới mẻ: cảnh đẹp, món ngon, mùi vị mới lạ…; tâm đâu được nghỉ ngơi, nó chỉ thay đổi “công tác”. Tâm chỉ thực sự an khi nó được nghỉ ngơi, không suy nghĩ, chỉ cảm nhận.

    Con đường ngắn nhất để đưa tâm về chốn nghỉ ngơi, an định không phải là sự dựa dẫm vào những điều kiện từ bên ngoài ấy mà là về với chính mình, ngay tức thì. Thiền tập là phương tiện cho hành trình trở về ấy, là sự chăm chút tuyệt vời nhất cho tâm. Khi hành thiền nghĩa là chúng ta đang thực hành sự đối xử tử tế với chính mình, nương tựa vào mình một cách vững chãi nhất trước khi nương tựa vào những điều kiện xung quanh. Khi ta có một cuộc sống nội tâm phong phú, sâu sắc, bận rộn xây dựng những giá trị bên trong thì không còn cần tới những điều kiện bên ngoài, không còn tùy thuộc vào món ngon, thời tiết tốt, bạn quý, người đồng cảm, sự hỗ trợ tinh thần hay của cải vật chất…, do đó những điều kiện bên ngoài không còn làm phiền ta nữa.

thien-dinh-feature

    Chỉ cần một nơi yên lành, một chút yên lặng, ý chí, sự quyết tâm. Chỉ cần có chút định tâm, đừng nhìn vào sự phiền não mặc dù nó vẫn đang có mặt tại đó, chú ý vào hơi thở, nhất định không rời khỏi nó, liên tục, liên tục, 10 phút, 15 phút, 30 phút... tâm vẫn giữ yên định, dần dần ta sẽ thoát khỏi sự bất an. Hãy thực hành ở mọi lúc mọi nơi, bất kể khi nào có thể, trong tư thế ngồi hay bước đi chậm rãi, thong dong, khi buông thư, lúc uống trà…, khổ đau sẽ tự khắc lùi xa, bình an sẽ hiện hữu và thường trực trong ta. Ta đã có một ngôi nhà ấm áp và vững chãi để tâm trở về an trú mỗi lúc gặp mưa giông, gió bão. Hãy thử tưởng tượng xem, nếu không tự tạo được ngôi nhà ấy, khi chẳng may rơi vào bóng đêm hãi hùng của trầm cảm, để gặp được một nơi nương tựa nhất thời (như một người bạn biết cảm thông, một chuyên gia tâm lý, hay một ngôi chùa…) thì ta cũng phải mất một khoảng thời gian để tìm kiếm, giãi bày. Trong thời gian đó, rất có thể ta đã bị “quái vật” trầm cảm rút mòn sinh lực, hạ gục mất rồi. Báu vật nằm bên trong chúng ta, người tìm kiếm chính là mục tiêu tìm kiếm. Hãy rời bỏ những cuộc chơi, về chăm sóc cho khu vườn hoa của mình luôn tươi mát, tự thưởng thức vẻ đẹp giản dị nhưng thanh cao bất tuyệt của nó. Sự bình an không dựa vào bất cứ điều kiện nào từ bên ngoài là sự bình an bền vững nhất. Có đủ sự bình an, tâm sẽ sáng ngời, dù cuộc đời có xảy ra bao biến động thì chúng ta cũng không thể gục ngã hay bị nhấn chìm.

    Thiền định đưa chúng ta trở về với ngôi nhà của mình, bình an trong bản tâm và chánh niệm. Năng lượng bình an trong ta sẽ lan tỏa tới những người xung quanh, mời gọi bình an trong người khác. Trong bình an ấy có giải thoát, trong bình an ấy có tự do, ta cần tìm đâu những thứ ấy ngoài ta nữa.

    Xin mượn bốn câu thơ mà thầy Thích Minh Niệm, tác giả cuốn Hiểu về trái tim, sáng tác tặng những ai đang sống cùng với trầm cảm, để chúc họ “điềm nhiên” bước qua những nghịch duyên với ngọn đèn tự thắp sáng trong tâm mình:

Xin nắng về nơi đó

Hoa vẫn nở điềm nhiên

Đời không thôi khốn khó

Gửi nhau chút bình yên.

Diệu Quỳnh

Ý kiến của bạn