Bộ tem : Bảo vật Văn hóa Óc Eo

Thứ ba, 01/12/2020, 10:06 GMT+7

     1

     1.1 Tượng Avalolitesvara (Avalolitesvara là vị Bồ tát Quan Thế Âm)

     2.2 Tượng Phật Hòa Bình.

     3.3 Tượng Thần Brahma Giồng Xoài

     Bloc tem Tượng Linga-Yoni đá nổi, vàng và đồng thâu ở An Giang

Vương quốc Phù Nam

     Phù Nam là tên gọi của một quốc gia cổ trong lịch sử Đông Nam Á, xuất hiện vào năm 68 sau Công nguyên tại vùng hạ lưu và châu thổ sông Mê Kông, ngày nay thuộc một phần Campuchia, Myanma, Thái Lan và Việt Nam.

     Theo nhiều thư tịch cổ, trong thời kỳ hưng thịnh, vương quốc này, về phía Đông, đã kiểm soát vùng đất phía Nam Trung Bộ, Việt Nam; về phía Tây, đến Thung lũng sông Mê Nam,Thái Lan; về phía Nam, đến phía Bắc bán đảo Mã Lai (gồm một phần của Myanma, Thái Lan và Malaysia).

     Vương quốc Phù Nam hưng thịnh đến năm 550, dần bị thu hẹp, đến năm 628 bị vương quốc Chân Lạp tại phía Tây và Dvaravati tại phía Nam thôn tính. (Vương quốc Chân Lạp là nhà nước đầu tiên của người Khmer, tồn tại năm 550 - 802 trên phần phía Nam bán đảo Đông Dương; Vương quốc Dvaravati tồn tại từ thế kỷ thứ 6 - thế kỷ 11, là một tập hợp các thị quốc của người Môn ở dọc sông Chao Phraya, Thái Lan).

     Kinh đô của vương quốc Phù Nam, ban đầu là đô thị Vyadhapura (nay là huyện Ba Phnum, tỉnh Prey Veng, Campuchia, hoặc đô thị Angkor Borei (nay là huyện Angkor Borei, tỉnh Takéo, Campuchia)

     Từ thế kỷ thứ 2 - 7, kinh đô Phù Nam dịch chuyển về đô thị Kottinagar tại phía Đông , nay là thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam.

     Từ cuối thế kỷ 6, Phù Nam dần suy yếu và thường xuyên bị Chân Lạp tấn công; cầm cự một thời gian, đến đầu thế kỷ 7 thì sụp đổ, tàn lụi và tuyệt vong.

     Văn hóa Óc Eo là nền văn hóa lâu đời nổi tiếng ở Nam bộ VN, là nền văn hóa gắn liền với vương quốc Phù Nam - một quốc gia hùng mạnh nhất ở Đông Nam Á từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ VII.

Quần thể Di tích văn hóa Óc Eo

          - Khu di tích Óc Eo - Ba Thê, thuộc địa bàn ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang

          - Khu di tích Gò Tháp thuộc địa bàn ấp 1, xã Tân Kiều huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp

          - Khu di tích Nền Chùa thuộc địa bàn ấp Tràm Dưỡng, xã Mỹ Phước, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.

     Với Di chỉ văn hóa do người Phù Nam để lại có tên Óc Eo. Văn tự chính thức của vương quốc Phù Nam là chữ Phạn. Đây là loại chữ viết có nguồn gốc từ Ấn Độ (Sanskrit), tiếng Khmer cổ và tiếng Phạn (Ấn độ),Tôn giáo chính là Ấn Độ giáo (Hindu giáo-Bà La Môn) và Phật giáo. Shiva là vị thần tối cao được tôn thờ, tiếp đó là thần Vishnu và Đức Phật.

     Với đặc điểm có giá trị tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, điêu khắc tượng thần, thành quách...quần thể Di tích văn hóa Óc Eo là tư liệu quý hiếm của Việt Nam

     Óc Eo là một thị trấn thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, Việt Nam, Óc Eo – Ba Thê là một đô thị cổ, một cảng thị lớn nhất của vương quốc Phù Nam.

     Vào năm 1942- 1945, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret (1901- 1970) đã tiến hành đào các hố khai quật tại Óc Eo và đã phát hiện được nhiều di vật (trong đó có 1311 hiện vật bằng vàng, 918 hạt trang sức bằng đá quý, một số đồng tiền vàng…) và nền móng của các công trình.

Xung quanh Khu di tích Óc Eo – Ba Thê còn có 6 di tích:

          - Di tích Lung Giếng Đá và Tà Kêv (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang)

          - Di tích Lung Lỗ - Mô (xã Mỹ Tú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang);

          - Di tích Lung Mốp Văn (xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang)

          - Di tích Tráp Đá (xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang)

          - Di tích Định Mỹ (xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang)

          - Di tích Lung Giầy Mé (xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang).

     Trong đó, Di tích Ta Kêv là điểm đầu tuyến đường thủy nối thành phố Óc Eo với thành phố cổ Angkor Borei (Takéo, Campuchia), là cảng biển xưa.

Ý kiến của bạn